Những người khởi xướng sự “rối rắm sử” này nhằm mục đích là coi cuộc chiến tranh giải phóng vừa qua của nhân dân ta chỉ là một cuộc “nội chi...
Những người khởi xướng sự “rối rắm sử” này nhằm mục đích là coi cuộc chiến tranh giải phóng vừa qua của nhân dân ta chỉ là một cuộc “nội chiến” hay là một cuộc chiến tranh “xâm lược” của miền Bắc với miền Nam – nghĩa là của hai quốc gia đối nghịch! Đi xa hơn nữa là đòi hỏi Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đương đại phải “sám hối” và “thương lượng bình đẳng” với cái “thây ma Việt Nam Cộng hòa” đang ở dưới âm ty địa ngục để thành lập cái gọi là Chính phủ liên hiệp hòa hợp và hòa giải dân tộc, thì nước mới yên chăng?! Quá bi hài!
1- Là cuộc “nội chiến”?
Mời bạn đọc xem ý kiến của Tiến sĩ Daniel Ellsberg, sĩ quan Lầu Năm Góc và là cố vấn Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã viết: “Không hề có chiến tranh Đông Dương thứ nhất và thứ nhì, chỉ có một cuộc xung đột nối tiếp trong 1/4 thế kỷ. Dùng ngôn từ thực tế, đứng về một phía (Mỹ), ngay từ đầu nó đã là một cuộc chiến của Mỹ: mới đầu là Pháp – Mỹ, sau đến toàn là Mỹ. Trong cả hai trường hợp, nó là một cuộc đấu tranh của người Việt Nam – không phải là tất cả người Việt Nam nhưng cũng đủ để duy trì cuộc đấu tranh – chống chính sách của Mỹ và những kinh viện, ủy nhiệm, kỹ thuật gia, hỏa lực, và cuối cùng, quân đội và phi công, của Mỹ… Cuộc chiến đó không có gì là “nội chiến”, như nó đã không là “nội chiến” trong cuộc tái chiếm thuộc địa của Pháp được Mỹ ủng hộ. Một cuộc chiến mà trong đó một phía hoàn toàn được trang bị và trả lương bởi một quyền lực ngoại quốc – một quyền lực nắm quyền quyết định về bản chất của chế độ địa phương vì những quyền lợi của mình – thì không phải là một cuộc nội chiến… Theo tinh thần Hiến chương Liên Hiệp Quốc và theo những lý tưởng mà chúng ta (nước Mỹ) công khai thừa nhận, đó là một cuộc ngoại xâm, sự xâm lược của Mỹ”. Đồng thời, tô son điểm phấn cho những cái gọi là “chính quyền quốc gia”, “chính nghĩa quốc gia” và những “người Việt quốc gia yêu nước” đều do bàn tay phù thủy thực dân đạo diễn (sách “Những bí mật về chiến tranh Việt Nam – Hồi ức về Việt Nam và Hồ sơ Lầu Năm Góc” – Secrets: A Memoir of Vietnam and the Pentagon papers).
Đó là tiếng nói của một người Mỹ có lương tri, từng liên quan trực tiếp tới cuộc chiến tranh bẩn thỉu của nước Mỹ tại Việt Nam.
2- Là cuộc chiến tranh “xâm lược” giữa hai quốc gia đối nghịch?
Hiệp ước Patenôtre (1884) xóa sổ nước Việt Nam trên bản đồ thế giới. Hàng thế kỷ, cộng đồng thế giới chỉ biết ở vùng Viễn Đông, giữa hai nước Ấn Độ và Trung Hoa có một xứ thuộc địa của Pháp, gọi là Indochina (Đông Dương) gồm năm vùng lãnh thổ: Cochinchin (Nam kỳ – đã là một tỉnh của Pháp), xứ bảo hộ Tonkin (Bắc kỳ), xứ tự trị (!) An Nam (Trung kỳ), Campuchia, Lào. Người Pháp dùng từ “Annamit” tỏ ý khinh bỉ dân bản xứ này! Cách mạng tháng Tám 1945, nhân dân ta đã giành lại Tổ quốc và chủ quyền dân tộc, thống nhất đất nước, phục hồi quốc danh Việt Nam. Thực dân Pháp tái xâm lược nước ta. Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Chính phủ kháng chiến do Hồ Chí Minh đứng đầu, “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Kết cục là năm 1954, Pháp thua to ở Điện Biên Phủ. Nhưng ta thì “đường giải phóng mới đi một nửa”.
a/- Hội nghị Geneva về vấn đề phục hồi hòa bình tại Đông Dương.
- Chương I – Điều 1:
Đường ranh giới quân sự tạm thời sẽ được ấn định cho cả hai bên mà lực lượng quân sự của hai bên sẽ tập hợp lại sau khi rút quân, Lực lượng của Quân đội Nhân dân Việt Nam về phía Bắc của giới tuyến, và lực lượng Liêp hiệp Pháp về phía Nam. (Đồng nghĩa trong khi chờ đợi cuộc Tổng tuyển cử để thống nhất Việt Nam, quyền hành chánh dân sự trong mỗi vùng nằm trong tay các bên có quân đội rút quân, nghĩa là ở phía Bắc vĩ tuyến 17 thuộc Việt Minh và ở phía Nam thuộc Liên hiệp Pháp).
- Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị, ngày 21/7/1954, ghi rõ:
+ Điều 2/ Hội nghị minh định sự toại ý về sự chấm dứt tình trạng chiến tranh tại Campuchia, Lào, và Việt Nam.
+Điều 6/ Hội nghị thừa nhận rằng, mục tiêu cốt yếu của bản hiệp định liên quan đến Việt Nam là để giải quyết những vấn đề quân sự với ý định chấm dứt tình trạng chiến tranh, và rằng, đường ranh quân sự sẽ không cách nào được giải thích như sự thiết lập một biên giới lãnh thổ và chính trị.
Tập đoàn những kẻ chống lại quyền lợi của quốc gia dân tộc, đứng đầu là Ngô Đình Diệm, dựa vào sức mạnh của Hoa Kỳ, âm mưu chia cắt đất nước lâu dài, tự xẻ đôi đất nước, thành lập một quốc gia riêng gọi là Việt Nam Cộng hòa.
Dựa trên căn cứ pháp lý nào để nói: “Việt Nam Cộng hòa được hình thành trên cơ sở hiệp định Geneva”? “Ở Nam vĩ tuyến 17 có một quốc gia độc lập là VNCH với thủ đô là Sài Gòn và ở Bắc vĩ tuyến 17 có một quốc gia độc lập khác là VNDCCH với thủ đô là Hà Nội”?
Những người không chịu theo đám phản dân hại nước ấy bị tàn sát dã man, buộc phải cầm súng chống lại. Tham vọng bá chủ hoàn cầu, Hoa Kỳ can thiệp và ngày càng lún sâu vào. “Chiến tranh đặc biệt” – dùng đội quân tay sai bản xứ với sự chi viện tối đa của Mỹ, thất bại. Hoa Kỳ chuyển thành “chiến tranh cục bộ” – là cuộc chiến tranh của nước Mỹ ở miền Nam và mở rộng “chiến tranh phá hoại” ra toàn miền Bắc Việt Nam. Sự chi viện của miền Bắc với đồng bào ruột thịt ở miền Nam là điều tất nhiên, hợp cả tình và lý. Cuộc chiến tranh xâm lược tốn hao nhiều người và của, ngày càng lộ rõ bản chất phi lý vô nhân, bị nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới và ngay cả ở nước Mỹ quyết liệt phản đối. Sau này, ông Chuck Hagel (Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ triều B. Obama, tiết lộ: “Điều thật sự làm tôi thay đổi hoàn toàn là việc công khai đoạn băng của Tổng thống Johnson (Lyndon B.). Đó là một sự lường gạt và dối trá khủng khiếp. Khi một Tổng thống Mỹ nói rằng: “Tôi không thể là vị Tổng thống đầu tiên thua một cuộc chiến. Tôi biết là chúng ta không thể chiến thắng, nhưng chúng ta cứ đưa những thanh niên của chúng ta vào chỗ chết”! Thật lòng mà nói tôi đã sững sờ khi nghe những lời đó vào những năm 1990. Người dân Mỹ đã bị lừa dối, và tôi cũng vậy. Bởi vậy mà rất nhiều người Mỹ đã chết và đau khổ” (Daniel P. Bolger: Our Year of War – Những năm tháng chiến chinh). Giới cầm quyền hiếu chiến bế tắc, phải tìm lối thoát ra trong danh dự.
b/- Hiệp định Paris ngày 27/1/1973, Chương I (Các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam), Điều 1 ghi rõ: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Geneva năm 1954 về Việt Nam đã công nhận”. Có chữ ký của Ngoại trưởng nội các Việt Nam Cộng hòa.
Tinh thần cốt yếu chỉ một quốc gia Việt Nam thống nhất của Chính phủ Hồ Chí Minh từ ngày đầu lập nước: “Nam Việt Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không thể nào thay đổi được” luôn nhất quán! Nếu không là ngu thì chỉ kẻ vong bản mới lu loa rằng miền Bắc xâm lược miền Nam.
Mưu đồ xâm lược bị đánh tan thì bọn người vị kỷ coi thường độc lập, chủ quyền của Tổ quốc, dân tộc cũng thảm bại theo. Ông Dương Văn Minh là người có lương tâm, trên cương vị Tổng thống chính danh của cái ngụy quyền kia, ông đã ký giấy khai tử cho nó bằng lời nói của một nhân cách lớn khi có kẻ “gạ” tìm cách giúp ông thoát nước cờ tàn: “Suốt đời tôi làm tay sai cho Pháp rồi cho Mỹ. Nay tôi không thể là tay sai cho ai được nữa”. Đó là truyền thống, là dòng chảy liên tục của cuộc trường chinh giữ nước trong lịch sử Việt Nam.
Tại cuộc mít tinh lớn chào mừng chiến thắng vĩ đại 30/4/1975, diễn văn của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn – người có công lớn đưa sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thắng lợi hoàn toàn, nêu rõ: “Trong 4.000 năm lịch sử của dân tộc ta thì hơn 100 năm lại đây là chặng đường đấu tranh chống ngoại xâm gay go nhất, quyết liệt nhất, nhưng cũng thắng lợi vẻ vang nhất. Thắng lợi này là thắng lợi của ngọn cờ độc lập dân tộc, thắng lợi của chủ nghĩa yêu nước hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước oanh liệt, phát huy lên đỉnh cao mới “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
“Xã tắc từ đây bền vững / Giang sơn từ đây đổi mới / Càn khôn bỉ mà lại thái / Nhật nguyệt hối mà lại minh / Muôn thuở nền thái bình vững chắc / Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu”. Ấy là nhờ trước hết ở truyền thống quật cường của tổ tiên ta, sau là sự hy sinh vô bờ bến của các đấng tiền hiền tiên liệt, của các anh hùng liệt sỹ và của toàn dân ta sẵn lòng nồng nàn yêu nước, vượt mọi khó khăn gian khổ, một lòng vì sự trường tồn của Tổ quốc, giống nòi.
3- Vấn đề hòa hợp và hòa giải dân tộc
Học giả Hoàng Xuân Hãn – một chứng nhân thời đại và cũng là một trí thức bậc thầy của nhiều thế hệ, được giới trí thức trong và ngoài nước mọi thời đều kính trọng, nói ra điều chân lý: “Cái kết quả tức thì nước mình bây giờ mà có độc lập, có thống nhất thì ấy là cái công của Hồ Chí Minh to lắm. Dẫu người ta dùng một chính sách gì, cộng sản hay quốc gia, thì cái công ấy sau này đối với người viết sử, người ta xét lại không khác gì đời Lê Lợi mà rồi quân Minh phải về nước… Rồi xảy ra chuyện 1975 thì dẫu nói thế nào nữa cũng là nước của mình, độc lập và thống nhất. Cái công ấy của Việt Minh từ đầu. Đối với một người chỉ có óc lịch sử không, sau này phán xét, tôi nghĩ không thể nghĩ cách khác được đâu”.
Trong lịch sử ngàn năm dựng nền độc lập, nhân dân ta đã hơn chục lần chiến thắng quân xâm lược mọi thời. Nhưng ngay trong lúc kháng chiến đang rất gay go, tiền nhân ta đã nghĩ đến chuyện hiếu hòa. Nguyễn Huệ từ Nam kéo quân ra Bắc, đến Tam Điệp, dù tin cuộc hành binh thắng lợi nhưng ông đã thấy trước: “Đuổi được giặc đi, nhưng nghĩ chúng là nước lớn gấp mấy mươi lần nước mình, sau khi bị thua một trận ắt lấy làm hổ thẹn mà lo mưu báo thù. Như thế thì việc binh đao không bao giờ dứt, không phải là phúc cho dân. Đến lúc ấy chỉ có lời lẽ mới dẹp được binh đao”. Ngay sau ngày chiến thắng 30/4, nhà lãnh đạo tối cao Lê Duẩn đã nói: “Với tinh thần hòa hợp hòa giải dân tộc, nhân dân ta tỏ rõ lượng khoan hồng đối với tất cả những ai bất kể quá khứ của họ như thế nào, nay trở về với dân tộc miễn là họ thành tâm mang hết tài năng ra phục vụ Tổ quốc, thì vị trí của họ trong lòng dân tộc sẽ được bảo đảm”. Thế cho nên đã không hề có chuyện “tắm máu” trả thù mà quân xâm lược rất mong nó xảy ra.
Dựa vào cái gọi là đổi mới tư duy, dường như các nhà sử học hậu sinh bỏ qua chuyện đó. Như người ngoài cuộc, họ đề cập đến nhiều vấn đề vốn được coi là “nhạy cảm” như là “trại cải tạo”, “thuyền nhân”, Hoàng Sa, Trường Sa xảy ra trong hoàn cảnh lịch sử rối ren vô cùng phức; xa hơn là những cái gọi là “khoảng trống lịch sử” như Cải cách ruộng đất, Nhân văn – Giai phẩm, vụ xét lại chống Đảng, cải tạo tư bản tư doanh ở miền Bắc, miền Nam… Nhưng họ có cố tình quên không, cùng thời gian ấy, Hoa Kỳ đã hậu thuẫn cho chính quyền và quân đội ngụy ở miền Nam đơn phương tiến hành cuộc chiến đàn áp những giáo phái và tàn sát những người kháng chiến (theo sử liệu ghi 68.000 người bị giết hại, gần 500.000 người bị bắt bớ tù đày)? Và cuộc cải cách điền địa đem lại ruộng đất cho ai? Thực sự nền kinh tế ở miền Nam lúc đó thế nào? Riêng về cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968, thì đó thuộc lĩnh vực khoa học quân sự nghiên cứu chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, thời cơ, cách đánh, tiến thoái thế nào… Chưa biết các sử gia sẽ nói gì nhưng chỉ cần nghe cách đặt vấn đề: “… cả sai lầm của miền Bắc trong tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968” đã là không ổn! Trong chiến tranh có những trận tưởng thua mà thắng, lại có những trận tưởng thắng mà thua. Sự thật khẳng định rằng: Có Mậu Thân mới có Hiệp định Paris và mới có Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng.
Ông GS.TSKH Vũ Minh Giang nhắc đến ba hành trang quan trọng để bước vào đời: “Khả năng tư duy – Tiếng mẹ đẻ, và – Biết mình là ai. Chỉ có học và đọc lịch sử mới có thể trả lời câu hỏi: Mình là ai?”. Vậy các sử gia đương đại đã biết mình là ai chưa? Rõ ràng là những người làm sử đương thời chưa tạo được niềm tin trong lòng công chúng!
Ông Trần Đức Cường – một quan chức trong ngành sử học nói: “Bản chất chính quyền Sài Gòn và quân đội Sài Gòn là một chính quyền được dựng lên từ đô la và vũ khí, thực hiện chiến lược toàn cầu của Mỹ, ngăn chặn chủ nghĩa Cộng sản lan xuống vùng Đông Nam Á, đồng thời chia cắt đất nước Việt Nam một cách lâu dài, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Điều đó không có gì nghi ngờ cả. Thứ hai, quân đội Sài Gòn thực chất được Mỹ trang bị hoàn toàn và quan trọng hơn là thực hiện mưu đồ của Mỹ. Đó cũng là một đội quân đi đánh thuê. Nhưng về cách gọi, chúng tôi nghĩ rằng trong một văn bản khoa học, mình gọi trung tính vẫn hơn là ngụy quân, ngụy quyền. Bởi vì cách gọi này mang tính biểu cảm, miệt thị cho nên chúng tôi gọi là quân đội Sài Gòn và chính quyền Sài Gòn”. Phần trên không ai có thể nói khác đi. Nhưng phần sau là cái lập luận xoay chiều thật trí trá! Nếu như bạn đọc đã xem Phan Huy Lê “xịa” chuyện Lê Văn Tám, càng thấy lời cổ nhân “Thầy nào trò nấy” chẳng sai! Các ông làm sử hay làm chính trị? Chính trị có thể mưu mẹo với đối phương. Nhưng chính trị mị dân chẳng thể bền. Khoa học cần sự rõ ràng, minh xác, không thể nửa vời, trung tính. Lịch sử là nói chuyện đã qua, để đời sau biết đâu thật, đâu giả. Cái không thật gọi là “ngụy”, ai cũng hiểu. Nó là tay sai, là bù nhìn – đó là sự thật. Cần chi phải dùng “ngụy lý” mị đời. Vấn đề không phải ở cái “từ”, mà chính là ở cái “tâm” người nói và cách ứng xử giữa con người với nhau. Nói ra điều này, người viết bỗng chút gợn lòng vì một thời sau 1954, ở phía Bắc, ai mang họ LƯU (lưu dụng) thật lép vế với người họ KHÁNG (kháng chiến)! Lòng cha tôi thương con mà ngậm ngùi với tiếng “hàng thần” chỉ vì yêu cái chính nghĩa của Cụ Hồ. Nhưng kết cục đại sự quốc gia thành là cái được cho mọi nhà, để nỗi đau của mỗi người có thể nguôi ngoai. Nay người viết cũng đã có 50 năm tuổi Đảng. Chẳng có chi đáng để tự hào vì con đường đi đã được những vị tiền hiền khai sơn phá thạch, rồi gặp được những người lớp trước từng trải chỉ cho đâu là đúng-sai-hay-dở? Đâu là thời thế lẽ đời, nên cứ đường ngay lối thẳng, thuận chiều lịch sử mà đi. Đã ở tuổi “cổ lai hy” rồi, lời khen chẳng để làm chi, chỉ cần thanh thản.
Thực tế là cái tổ chức “ngụy quyền” và “ngụy quân” đã tự tan rã non nửa thế kỷ rồi. Mọi người trong nước Việt Nam hòa bình thống nhất độc lập hiện nay đều là những công dân bình đẳng. Nhìn ra bà con ta ở ngoài nước, hoặc đã mang quốc tịch của nước sở tại mà còn lưu luyến cái gốc rễ Việt, nếu ai chưa nhập tịch thì gọi là Việt kiều, thế thôi! Đáng buồn là phải tổn hao bao máu xương, nước mắt mới lột bỏ đi được cái áo “ngụy” tai tiếng, mà nay lại có người vơ choàng lên mình “của nợ” lỗi thời ấy để tự hào, ỉ ôi, yêu sách, khuấy động nhân tâm!
Nhiều học trò của ông Phan Huy Lê giờ thay thầy ngồi trên cái ghế sử quan, cất lên những lời lạc lõng. Tóm gọn vào hai chủ đề chính như sau:
- VNCH tồn tại 20 năm, được nhiều quốc gia trên thế giới lúc bấy giờ thừa nhận và được định danh trên các văn bản quan phương, nên công nhận sẽ rất có lợi, mới có cơ sở pháp lý để đòi lại cái gì đã mất.
- Phải công nhận VNCH thì mới có thể “hòa giải, hòa hợp dân tộc” được.
Xin thưa:
+ Dựa vào sự được nhiều quốc gia công nhận và tồn tại lâu dài tất phải là chính danh, chính nghĩa, có đúng không trong thế giới hỗn mang này? Hẳn mọi người chưa quên thời tổ chức “Khmer đỏ” với lý tưởng đồng thời thực hiện ba mục tiêu phản đế, phản phong và xây dựng chủ nghĩa cộng sản kiểu “ăngka”: Gần 2 triệu người (bằng 2/5 dân số Campuchia lúc đó) bị giết bằng những hình thức thời trung cổ; Người Chăm theo Đạo Hồi bị săn lùng như Đức Quốc xã với người Do Thái; Hàng ngàn thường dân Việt Nam bất kể già, trẻ, gái, trai ở các tỉnh dọc biên giới, bị sát hại đã man, bằng chứng nay còn lưu ở xóm núi Ba Chúc – An Giang. Cái lý tưởng bất nhân vô đạo ấy có đáng được tồn tại không? Vậy mà cả trăm quốc gia vẫn để cái “Khmer dân chủ” ghê tởm ấy vênh vác ngồi trong LHQ! Phải chăng nó còn được các nước lớn vuốt ve? Mời bạn đọc nghe Kissinger nói trong buổi chiêu đãi do Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức tiếp các đại diện Thái Lan ngày 26/11/1975: “Chúng tôi nghĩ là mối đe dọa lớn nhất đối với Đông Nam Á hiện giờ đến từ Bắc Việt Nam. Chiến lược của chúng tôi là lôi kéo Trung Quốc đến Lào và Campuchia để ngăn chặn Việt Nam. Hãy nói với những người Khmer rằng chúng tôi sẽ là bạn của họ. Họ là những tên côn đồ sát nhân, nhưng nói riêng giữa chúng ta thì điều đó không quan trọng. Chúng tôi sẵn sàng cải thiện quan hệ với họ”, và sau đó, ngày 11/10/1978, Bộ Ngoại giao Mỹ gửi công điện đến 6 đại sứ quán Mỹ tại châu Á, như sau: “Chúng tôi tin rằng một nước Campuchia phải tồn tại ngay cả khi chế độ Pol Pot là chế độ vi phạm quyền con người tồi tệ nhất thế giới”! Khác chi trước đó John F. Kennedy từng nói về Ngô Đình Diệm: “Đó là con đẻ của chúng ta – chúng ta không thể bỏ rơi nó, chúng ta không thể không biết tới những nhu cầu của nó”?! Nhu cầu của nó là xẻ đôi đất nước và công giáo hóa.
Người Việt Nam buộc phải cầm súng chiến đấu để bảo vệ mình và cứu cả dân tộc Campuchia thoát họa diệt chủng, đã phải đau đớn ôm vào lòng gần 50 ngàn binh sĩ thương vong và những khó khăn kinh tế càng thêm chồng chất! Mà cộng đồng quốc tế làm ngơ? Chưa bao giờ nước Việt Nam bị “đánh hội đồng”, bị “phạt vạ” và cô lập trước thế giới như lúc bấy giờ! Khi nước Campuchia hồi sinh, không thể ngó lơ được nữa, Tòa án đặc biệt tại Campuchia do LHQ bảo trợ (ECCC) mới được lập ra. Tòa này kéo dài từ 2005-2018, tốn 318,9 triệu USD, khi lũ đầu sỏ Pol Pot, Noun Chea, Ta Mokok, Ieng Sary, Khieu Samphan, Kaing Guek Eav – quá nửa đã chết, hai tên còn lại “thở hắt ra”, thì Tòa mới ra phán quyết cuối cùng: “Khmer đỏ phạm tội diệt chủng và những tội vi phạm nhân quyền”. Đồng nghĩa là “Việt Nam đưa quân tình nguyện vào Campuchia phải được coi là quyền tự vệ chính đáng và là sự can thiệp nhân đạo kịp thời”. Những kẻ đồng lõa và tòng phạm, trong đó có cả Liên Hiệp Quốc qua “Chương trình lương thực”, đã hà hơi tiếp sức cho Khmer đỏ trong suốt 20 năm, góp phần nuôi sống những kẻ diệt chủng, đã không được nhắc tới! Giờ thì cộng đồng thế giới đã quên đi. Phải – Trái – Chính – Tà – Chính nghĩa – Phi nghĩa, với kẻ tà tâm là thế! Người Việt Nam không thể quên và những nhà sử học Việt Nam càng không được phép quên!
+ Những gì con sói đã nuốt rồi, sẽ chẳng bao giờ chịu nhả ra trừ khi biến cố bất thường. Cổ nhân nói: Thiên hạ Tan rồi lại Hợp – Hợp rồi lại Tan – Mạnh rồi lại Yếu – Yếu rồi lại Mạnh. Vừa do lẽ trời, vừa tại mình.
Muốn không để xảy ra cái lỗi tại mình, cần phải hòa giải hòa hợp dân tộc. Nhưng không thể là chuyện xảy ra giữa người sống với cái bóng ma; cũng như không có sự “hòa hợp bằng mọi giá”. Đó là chuyện nghiêm túc giữa những người Việt Nam, dù đang sống ở bất kỳ đâu mà còn có những chính kiến, quan điểm khác nhau về việc xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, thịnh vượng, thì ngồi lại với nhau, bình đẳng trao đổi để hiểu nhau, đi đến sự tương đồng, cùng chung sức chung lòng lo cho tương lai đất nước.
Ông Nguyễn Cao Kỳ là người thế nào, mọi người đều biết. Nhưng cuối đời ý kiến của ông rất chân thành xây dựng, được dư luận đồng tình: “Những ai muốn quay về dĩ vãng, thật là không tưởng. Tôi nghĩ rằng, nhiệm vụ của mỗi công dân Việt Nam trên toàn thế giới là đoàn kết nhau lại, hợp sức xây dựng đất nước. Hãy quên quá khứ để nhìn về tương lai”.
Cơ sự từ đâu?
Trong lịch sử ngàn năm từ ngày dựng nền độc lập, nhân dân ta đã phải tiến hành mười mấy cuộc chiến tranh giữ nước, trong đó có hai cuộc chiến tranh giải phóng trường kỳ gian khổ hy sinh lớn nhất là cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh đầu thế kỷ XV và cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Tây kéo dài từ giữa thế kỷ XIX đến gần cuối thế kỷ XX.
Làm chiến tranh giải phóng nghĩa là phát động nhân dân đứng dậy trong cảnh nước đã mất, giặc đã vào nhà, Tổ quốc thành sân sau của giặc. Nhân dân nếu không muốn chết chóc hoặc mang thân tù tội thì phải chấp nhận tiếp tay cho giặc dưới nhiều hình thức. Trong lúc kháng chiến đang rất gay go, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tôi rất đau lòng thương xót đồng bào lâm vào hoàn cảnh ấy, vì lũ thực dân hung ác, nhưng một phần cũng vì tôi, người phụ trách số phận đồng bào, chưa lập tức xua đuổi được loài thú dữ và cứu vớt ngay đồng bào ra khỏi địa ngục thực dân”.
Nhưng với “chủ nghĩa thực dân mới”, ông chủ ngoại bang cho người bản xứ lâp nên một chính quyền khá hoàn chỉnh để thực thi ý đồ của họ, dễ làm lẫn lộn chính tà. Công cuộc giải phóng dù là “thuận thiên hành đạo” mà khi thắng lợi thì việc thu phục lòng người không dễ dàng êm thấm và những hệ lụy của nó còn sâu xa, dai dẳng.
Giặc kiếm cớ vào nhà bao giờ cũng trương lên cái chiêu bài theo lời “cầu viện” hoặc “khai hóa”, rồi là bảo vệ “nhân quyền” để hợp thức hóa hành động xâm lăng, cùng với nền kinh tế mạnh, nền văn hóa lớn, tổ chức xã hội chặt chẽ và cuộc sống văn minh. Cuộc chiến càng kéo dài, càng dễ làm mờ nhòa đi cái ranh giới giữa kẻ xâm lược và người bị xâm lược, sẽ làm một bộ phận không nhỏ dân chúng khó nhận ra thân phận “chủ hờ” mà thực ra là “vong quốc”. “Bọn xâm lăng không nhằm cá nhân tôi mà xúc phạm. Chúng đã xúc phạm tới cả một dân tộc! Tôi thấy tôi không thể tách rời khỏi dân tộc mà có được sự kính nể của ngoại bang” – Lời nói của nhà văn Thiếu Sơn, tiêu biểu cho những nhân sỹ lớn, trong giờ phút thăng trầm của lịch sử, trước sứ mệnh cao cả của Tổ quốc, đã vượt qua mọi thử thách cam go, đồng hành cùng dân tộc đi tới mục hòa bình, độc lập, thống nhất giang sơn. Thật đáng trân trọng biết bao!
Tiếng nói sử học cần sự minh triết của những cái đầu uyên bác ở những con người tâm huyết. Sách sử ghi đậm lời Vua Lê Thánh Tông từng mắng nhiếc mấy sử quan ăn ở hai lòng: “Các ngươi bảo nước ta là hàng phiên bang đời xưa, thế là người theo đạo chết, mang lòng không vua. Các ngươi nay thờ chủ này mai thờ chủ khác chỉ vì lợi lộc, sao trong lòng không tự xấu hổ mà chết ư”?
TP. Hồ Chí Minh, những ngày cuối năm 2018
Nguyễn Văn Thịnh
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 529
Nguồn: Đấu trường dân chủ
PHẢN HỒI