Cuộc chiến biên giới phía Bắc là vết đen trong quan hệ Việt-Trung. Giờ đây mối quan hệ địa chính trị lâu đời một lần nữa lại là dòng chảy ch...
Cuộc chiến biên giới phía Bắc là vết đen trong quan hệ Việt-Trung. Giờ đây mối quan hệ địa chính trị lâu đời một lần nữa lại là dòng chảy chính để hai nước xếp lại bất đồng.
Cuộc chiến 1979 là một vết đen trong quan hệ hai nước anh em, đã từng sát cánh giúp đỡ nhau trong đấu tranh giành độc lập. Lịch sử là lịch sử. Mối quan hệ địa chính trị lâu đời một lần nữa vẫn là dòng chảy chính để hai nước xếp lại bất đồng.
Ngoại giao bóng bàn và các chuyến đi bí mật của cố vấn Kissinger đã đưa đến sự bắt tay Mỹ – Trung năm 1972 tại Thượng Hải làm thay đổi cục diện thế giới cũng như khu vực. Sự kiện này làm thay đổi hẳn các tính toán của các bên trong ván bài Đông Dương. Mỹ muốn rút khỏi Việt Nam nên đã làm ngơ cho Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974 để đổi lấy tác động của Bắc Kinh lên chính sách của Hà Nội.
Trung Quốc muốn duy trì hai miền Việt Nam để có một vùng đệm an ninh cho biên giới phía Nam. Sự bắt tay Mỹ – Trung làm Liên Xô buộc phải tăng cường quan hệ với Việt Nam, tìm kiếm đồng minh trong khi Hà Nội cần nhiều viện trợ quân sự trong bối cảnh Trung Quốc đang đe dọa cắt viện trợ để buộc Việt Nam theo ý mình.
Cuộc chiến 1979 là một vết đen trong quan hệ hai nước anh em, đã từng sát cánh giúp đỡ nhau trong đấu tranh giành độc lập.
Tuy nhiên, Việt Nam thống nhất năm 1975 đã làm đảo lộn tính toán của các nước lớn.
Một thế trận gọng kìm đã được giương lên từ cả biên giới phía Bắc và phía Nam. Việt Nam và Trung Quốc tố cáo nhau về các cuộc xâm phạm biên giới, dời trụ mốc, lấn chiếm lãnh thổ trên đất liền, về vấn đề người Hoa ở phía Bắc. Khmer Đỏ với sự giúp đỡ của Trung Quốc xâm lấn lãnh thổ Việt Nam ở phía Nam.
Cuộc tiến công của bộ đội tình nguyện Việt Nam và các lực lượng Mặt trận Dân tộc Cứu nước Campuchia vào Phnom Penh đầu năm 1979 đã làm kế hoạch của Bắc Kinh có nguy cơ phá sản. Trong thời điểm quân chủ lực Việt Nam chưa rút về nước, Bắc Kinh đã phát động cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc.
Cuộc chiến tranh này kéo dài suốt hơn 10 năm (1979-1990), để lại nhiều hậu quả cho phía Việt Nam. Rất nhiều câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ hoặc có những đánh giá khác nhau.
Cuộc chiến tranh này là do Trung Quốc phát động nên câu hỏi đầu tiên là Trung Quốc làm nhằm mục tiêu gì? Đâu là mục tiêu chính?
Mục tiêu biên giới:Tuyên bố chiến tranh của Chính phủ Trung Quốc nêu rõ: “Chỉ trong vòng sáu tháng qua người Việt Nam đã xâm nhập có vũ trang 700 lần, giết hại và làm bị thương hơn 300 lính biên phòng và dân sự Trung Hoa. Bởi chính những hành động xâm lược điên cuồng đó nhà cầm quyền Việt Nam đã cố ý kích động và tăng căng thẳng dọc theo biên giới phía Nam Trung Hoa và ngăn cản chương trình canh tân xã hội chủ nghĩa Trung Hoa. Hành động xâm lược đó nếu không bị ngăn chặn, chắc chắn sẽ làm nguy hiểm cho hòa bình và ổn định Đông Nam Á, và ngay cả toàn châu Á.
Lập trường kiên định của Chính phủ và nhân dân Trung Hoa là “chúng tôi sẽ không tấn công trừ phi chúng tôi bị tấn công, – nếu chúng tôi bị tấn công, chắc chắn chúng tôi sẽ phản công”. Các đạo quân biên phòng Trung Hoa hoàn toàn chính đáng để đứng dậy phản công khi họ vượt quá sự chịu đựng. Chúng tôi muốn xây dựng đất nước và cần một môi trường quốc tế hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh. Chúng tôi không cần một tấc (inch) đất nào của người Việt Nam nhưng chúng tôi không muốn sự xâm nhập phá hoại vào lãnh thổ Trung Hoa. Tất cả điều chúng tôi muốn là một biên giới hòa bình và ổn định. Sau khi đánh trả đích đáng những kẻ xâm lược Việt Nam, lực lượng biên phòng Trung Hoa sẽ nghiêm chỉnh bảo vệ biên giới nước mình. Chúng tôi tin rằng lập trường của chúng tôi sẽ được sự hưởng ứng, cảm thông và hậu thuẫn của các nước và nhân dân yêu chuộng hòa bình và yểm trợ công lý ”.
Theo tuyên bố này, mục tiêu nhất quán và cơ bản của chiến dịch năm 1979 là Phản kích tự vệ, chống lại sự “tập trung một lực lượng vũ trang đông đảo dọc biên giới Việt – Trung và liên tiếp xâm nhập vào trong lãnh thổ Trung Hoa” để “có một đường biên giới hòa bình và ổn định” theo ý Trung Quốc. Và, “tiêu diệt một bộ phận lực lượng vũ trang của Việt Nam, phá hoại tiềm lực quốc phòng và kinh tế, chiếm đất đai của Việt Nam, kích động bạo loạn”.
Drew Middleton của New York Times trên bài nhận định của mình ngày 26/2/1979 đã nhận định cuộc chiến mà nhà cầm quyền Trung Quốc nói có thể giống một cuộc chiến tranh mà Trung Hoa đã phát động năm 1962-1963 trên biên giới phía Bắc Ấn Độ để thực hiện điều mà Trung Hoa mong muốn là thiết lập một làn ranh giới mới mà họ cho rằng đó là đường biên giới của họ.
Nhận định này sau này đã được chứng minh chính xác như một mục tiêu đầu tiên trong các mục tiêu Trung Quốc đặt ra cho cuộc chiến. Tuy tuyên bố không xâm phạm tấc đất nào của Việt Nam nhưng diễn biến chiến tranh cho thấy Trung Quốc chủ ý thay đổi biên giới có lợi cho mình, nhất là tại những nơi Công ước Pháp – Thanh chưa giải quyết triệt để, hợp pháp hóa các vùng đất người Hoa đã sinh sống sang phía Việt Nam, chiếm đóng và khống chế một số điểm cao, tạo điều kiện thuận lợi cho đàm phán đồng thời nhằm đánh bại ý chí của Việt Nam trong tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và buộc rút quân khỏi Campuchia.
Các nghiên cứu quốc tế khác hướng sự chú ý tới các mục tiêu khác không được viết rõ trong Tuyên bố chiến tranh của Trung Quốc hơn là mục tiêu biên giới lãnh thổ.
Mục tiêu chính trị: buộc Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia, cứu được chính quyền Pol Pot và cải thiện được quan hệ với Mỹ, tạo điều kiện xuất hiện như một cường quốc thế giới, khống chế tại Châu Á và chứng minh Liên Xô không phải là một đồng minh đáng tin cậy.
Bắc Kinh rõ ràng muốn dạy cho Việt Nam một bài học vì đã xâm lược Campuchia, đồng minh của Trung Quốc. Hai ngày sau khi quân tình nguyện Việt Nam vào Phnom Penh, Nhân Dân Nhật báo đăng xã luận cảnh cáo rằng “sự chiếm đoạt Phnom Penh bởi Việt Nam không có nghĩa là kết thúc mà đúng ra là sự khởi đầu chiến tranh”.
“Bắc Kinh đã nhìn biến cố đó (Việt Nam đưa quân vào Campuchia) không phải với tư cách giải phóng nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng, mà nhìn nó như việc hoàn tất sự theo đuổi của Việt Nam từ năm 1930 về một Liên bang Đông Dương dưới sự thống trị của Hà Nội”. Nhân Dân Nhật báo liên tục đưa ra các bài xã luận: “Hà Nội đang theo đuổi một chính sách bành trướng khu vực, thiết lập một Liên bang Ðông Dương, dưới sự che chở hay đồng lõa của đế quốc xã hội chủ nghĩa Nga Xô”.
Herbert S. Yee bình luận “Một trong các mục tiêu chính của Trung Quốc rõ ràng là để rút bộ đội Việt Nam ra khỏi Campuchia và Lào và phân tán mỏng sức mạnh quân sự của Việt Nam, từ đó làm suy yếu năng lực của Việt Nam dồn cho sự bành trướng hơn nữa tại Đông Dương".
Phía Trung Quốc hy vọng rằng “với chiến trường bị căng mỏng quá độ, các khu vực hậu phương phòng vệ yếu kém, và việc tiếp liệu của họ bị thiếu thốn”, Việt Nam sẽ bị “sa vào trong một vũng lầy” tại Campuchia. Mục tiêu này của Trung Quốc được xác nhận một cách gián tiếp bởi áp lực tăng cường đồng thời từ các lực lượng du kích lãnh đạo bởi Pol Pot đánh vào bộ đội Việt Nam tại Campuchia khi biên giới phía bắc của Việt Nam chịu cuộc tấn công quy mô của Trung Quốc.
Sự vắng bóng mục tiêu được che dấu này của Trung Quốc trong bản tuyên bố “hoàn kích tự vệ” của Bắc Kinh hiển nhiên không phải là sự sơ sót mà là có cân nhấc và tính toán. Nó có thể chủ ý dành cho Việt Nam một cơ hội để triệt thoái bộ đội ra khỏi Campuchia mà không bị mất mặt; và không cung cấp cho Moskva một duyên cớ tương tự nào khác (bằng việc tố cáo cuộc xâm lăng của Trung Quốc vào lãnh thổ Việt Nam) để can thiệp nhân danh Việt Nam.
Dạy Việt Nam một bài học, theo Trung Quốc, còn do Việt Nam xích lại gần Liên Xô, kẻ thù số một của Trung Quốc, hơn cả Mỹ. Nếu Việt Nam coi Thông cáo Thượng Hải năm 1972 là sự quay lưng của người anh lớn với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của mình, thì Trung Quốc coi Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Liên Xô ký ngày 03/11/1978 là sự phản bội.
Đánh Việt Nam cũng là nước cờ của Bắc Kinh giảm thiểu khả năng bị kẹp giữa hai gọng kìm ảnh hưởng của Liên Xô, một từ biên giới Xô – Trung, hai từ biên giới Việt – Trung thông qua vai trò của Việt Nam, nước mới gia nhập câu lạc bộ Hội đồng tương trợ kinh tế (COMECOM) do Liên Xô đứng đầu.
Bruce Elleman nhận định, "một trong những mục tiêu ngoại giao quan trọng nhất đằng sau cuộc tấn công của Trung Quốc là nhằm phơi bày rằng, những đảm bảo hỗ trợ quân sự của Liên Xô với Việt Nam là lừa gạt. Phơi bày nó ra ánh sáng, chính sách của Bắc Kinh thực tế là một thành công ngoại giao. Đánh Việt Nam là nước cờ giải tỏa mối lo sợ vĩnh cửu về một sự bao vây chiến lược với Trung Quốc. Đánh Việt Nam, Trung Quốc sẽ khẳng định được với Mỹ không sợ Liên Xô, sẵn sàng đoạn tuyện với hệ thống XHCN, hợp tác chặt chẽ với Mỹ chống Liên Xô. Đánh Việt Nam là một món quà cho Mỹ, mong muốn phát triển quan hệ với Mỹ".
Mục tiêu quân sự: tiêu diệt một bộ phận chính quy của Việt Nam, kéo các sư đoàn chủ lực của Việt Nam từ Campuchia về vào các “cối xay thịt” để trừng phạt. Cuộc tấn công cũng để làm sáng tỏ nhu cầu hiện đại hóa quân đội Trung Quốc.
Mục tiêu kinh tế: làm kiệt quệ kinh tế Việt Nam, buộc phải phụ thuộc vào Trung Quốc.
Về phía Việt Nam, mục tiêu cao nhất là bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ, tính độc lập trong đường lối đối ngoại.
Mục tiêu này thể hiện rõ trong Tuyên bố đáp lại của Chính phủ CHXHCN Việt Nam ngày 18/2/1979: “Trung Quốc đã mở ra một cuộc chiến tranh xâm lược trên suốt chiều dài biên giới của nước ta.
Sáng sớm ngày 17/2/1979, nhà cầm quyền Trung Quốc đã động viên một lực lượng vũ trang lớn lao gồm cả lính bộ binh, pháo binh và lực lượng xe bọc sắt mở ra một cuộc chiến xâm lược vào lãnh thổ nước ta dọc theo biên giới từ Phong Thổ và Lai Châu đến thành phố Móng Cái, Quảng Ninh. Chúng dùng pháo binh tầm xa bắn bừa bãi vào các thành phố, thị trấn, các khu dân cư và làng xã đông đúc nhằm mở đường cho các đơn vị xe bọc sắt và bộ binh để mở những cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ nước ta…
Cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc tại biên giới phía Bắc của Tổ quốc đã bắt đầu. Các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc các vùng biên giới đang gìn giữ truyền thống anh hùng quyết tâm chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng, kiên quyết đánh trả bọn xâm lược Trung Quốc từ ngay trận đánh đầu tiên trên tuyến đầu của tổ quốc”.
Sáng sớm ngày 17/2/1979, nhà cầm quyền Trung Quốc đã động viên một lực lượng vũ trang lớn lao gồm cả lính bộ binh, pháo binh và lực lượng xe bọc sắt mở ra một cuộc chiến xâm lược vào lãnh thổ nước ta dọc theo biên giới từ Phong Thổ và Lai Châu đến thành phố Móng Cái, Quảng Ninh.
Các mục tiêu chiến lược của Việt Nam, trong khi it được nghiên cứu và phát biểu hơn, có thể gồm:
- Bảo vệ biên giới lãnh thổ phía Bắc.
- Tiếp tục giúp đỡ Campuchia truy quét Pol Pot và bảo vệ biên giới Tây Nam.
- Tranh thủ sự ủng hộ của dư luận thế giới chống sự xâm lược của Trung Quốc.
- Tranh thủ sự giúp đỡ của Liên Xô theo các nghĩa vụ cam kết của Hiệp ước Việt-Xô 1978 ở mức có thể (các cố vấn, tái tiếp tế các vũ khí then chốt, và sự hiện diện của hải quân) mà không làm khó cho Liên Xô về khả năng can thiệp quân sự trực tiếp gây ra cuộc chiến tranh quy mô lớn.
- Đánh bại về mặt chiến thuật lực lượng của Trung Quốc mà vẫn bảo toàn được các lực lượng chính quy, không phải rút quân từ Campuchia hay phải tổng động viên sâu rộng, gây tốn kém.
Ý đồ đã được tuyên bố của Trung Quốc là “dạy cho Việt Nam bài học” đã biến mục tiêu hàng đầu của cuộc chiến tranh thành một “hành động nước lớn tự cho mình quyền bắt nạt nước bé”, một “hành động trả thù vô cớ”, một điều đi ngược với nguyên tắc bình đẳng chủ quyền của luật quốc tế, vi phạm nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế cũng như 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình mà Trung Quốc vẫn được coi là một bên sáng lập.
Chuẩn bị chiến tranh
Trung Quốc thể hiện rõ sự chủ động trong chuẩn bị chiến tranh và chọn thời điểm khai hỏa.
Bắc Kinh đã chuẩn bị cho cuộc chiến tranh này ít nhất một năm trước khi xảy ra thông qua các hoạt động chính trị, quân sự, ngoại giao. Các hoạt động này càng đẩy mạnh dồn dập trong khoảng 3 tháng từ sau khi có Hiệp ước Việt-Xô tháng 11/1978.
Trung Quốc đã nỗ lực tạo ra các điều kiện quốc tế thuận lợi. Đầu tiên là tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ và Nhật. Tháng 5/1978, Trung Quốc thuyết phục lãnh đạo Mỹ từ bỏ ý định bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Tháng 8/1978, Trung Quốc ký với Nhật Hiệp ước Hữu nghị và Hòa bình, thuyết phục Nhật Bản không viện trợ cho Việt Nam. Đầu tháng 11 năm 1978, Đặng Tiểu Bình thăm chính thức Thái Lan, Malaysia và Singapore.
Trong chuyến thăm viếng, nhà cầm quyền TQ đã thuyết phục các nước chủ nhà rằng Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực chống lại sự xâm lược của Việt Nam nếu nước này tấn công Campuchia.
Ngày 8/11/1978 tại Bangkok, Thái Lan, Đặng Tiểu Bình tuyên bố Hiệp ước Việt-Xô gây đe dọa cho hòa bình và an ninh thế giới. Ông nhận định Việt Nam đang trở thành một Cuba ở phương Đông và thi hành mệnh lệnh của Liên Xô. Trung Quốc đã khéo léo từ bỏ chính sách can thiệp vào các nước Đông Nam Á; thúc đẩy quan hệ kinh tế, tranh thủ vốn từ các nước này phục vụ chiến lược “bốn hiện đại hóa”; đồng thời, tập hợp được lực lượng chống Việt Nam.
Ngày 1/1/1979, Washington chính thức bình thường hóa ngoại giao với Bắc Kinh chấm dứt ba thập niên phong tỏa và cấm vận từ ngày “mất Trung Hoa”.
Ngày 28/1/1979 ông Đặng thăm Mỹ, thông báo với Mỹ ý định đánh Việt Nam. Trên đường về đầu tháng 2/1979, qua Tokyo, ông tuyên bố “Cần dạy cho Việt Nam một bài học.” Lãnh đạo Trung Quốc khẳng định sẽ đánh Việt Nam, qua đó hạ thấp vai trò của Liên Xô, chứng minh mâu thuẫn Trung – Xô gay gắt và Mỹ, Nhật sẽ được hưởng lợi.
Chiến tranh biên giới Việt –Trung 1979 là một cuộc chiến tranh hạn chế về không gian và thời gian mà ẩn đằng sau nó là hai trục (Bắc Kinh –Phnom Penh; Hà Nội – Moskva).
Hai nước trực tiếp tham chiến đều phải dàn lực ra hai hướng (dù mức độ có khác nhau), tính đến mối đe dọa từ hai phía. Trung Quốc tấn công Việt Nam nhưng luôn nghe ngóng phản ứng của Liên Xô; Việt Nam chống trả Trung Quốc song vẫn phải tiếp tục đối phó với Khơme Đỏ ở phía Tây Nam.
Trung Quốc tính toán rằng Liên Xô có khoảng 1 triệu quân canh giữ biên giới Xô-Trung khá dài nên không đủ lính để gác từng km. Liên Xô sẽ không đưa ra một cuộc tấn công nếu không chắc thắng và kéo dài. Liên Xô đang ở vào các giai đoạn cuối cùng tế nhị trong các cuộc thường thảo hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân SALT II với Hoa Kỳ, và được phán đoán có ít xác suất muốn gây gián đoạn cho tiến trình đó bằng việc phản ứng một cách mạnh mẽ chống lại Trung Quốc.
Trung Quốc tự tin trong các tính toán và hành động vì:
Một là, Trung Quốc đã “rào dậu” kỹ càng về ngoại giao với hai đối tác quan trọng là Mỹ, Nhật trên cơ sở liên minh “chống chủ nghĩa bá quyền”.
Hai là, chuẩn bị dư luận thế giới về một cuộc “phản kích tự vệ” đuổi quân Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc.
Ba là, tiếp tục những cuộc hội đàm thường lệ với Liên Xô về vấn đề biên giới, tỏ rõ cho Liên Xô biết cuộc tấn công Việt Nam là một vấn đề riêng biệt, không ảnh hưởng đến việc cải thiện quan hệ giữa hai nước.
Bốn là, nắm bắt nhu cầu của Liên Xô trong “đàm phán hạn chế vũ khí hạt nhân lần thứ hai” với Mỹ – nhu cầu ấy không cho phép Liên Xô mạo hiểm phá vỡ mối quan hệ Mỹ – Xô.
Năm là, lực lượng của Liên Xô ở biên giới Xô-Trung không đủ cho một cuộc chiến tranh với Trung Quốc. Nếu muốn mở mặt trận, Liên Xô cần một tháng để điều quân từ Đông Âu sang. Đây là một trong những lý do Trung Quốc hạn chế thời gian chiến sự, muốn đánh nhanh giải quyết nhanh trong vòng 1 tháng.
Có thể nói vào tháng 1/1979, Trung Quốc đã yên tâm phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam mà không e ngại sự lên án hoặc chống đối từ Mỹ, Nhật hay ASEAN.
Theo các tài liệu được công bố, Hoa Kỳ đã ngầm đồng thuận khi cung cấp tin tinh báo cho Trung Quốc rằng Liên Xô chỉ có 54 sư đoàn không đủ quân số ở biên giới Xô – Trung và vì vậy sẽ không có động thái quân sự lớn nào. Đặng Tiểu Bình chắc chắn có con bài Mỹ trong tính toán chiến lược để chống lại bất kỳ động tác quân sự có thể nào của Liên Xô. Ngày 16/3/1979, tổng kết chiến tranh, Đặng Tiểu Bình tiết lộ: Khi quân đội Trung Quốc tấn công Việt Nam cũng là lúc “Hoa Kỳ đã gửi Hạm đội 7 thực hiện tuần tra, giám sát nhằm đối trọng với Hải quân Liên Xô đang có mặt tại phía Nam biển Nam Trung Hoa”.
Thực tế, chỉ mười ngay sau giao tranh, Mỹ, Nhật, ASEAN mới dần thay đổi thái độ từ ủng hộ Trung Quốc sang biện pháp trung lập. Chính phủ Mỹ phản đối hành động của Trung Quốc một cách nhẹ nhàng, phê chuẩn một chính sách mới, nhằm “làm cho ảnh hưởng của cuộc chiến tranh này giảm tới mức thấp nhất sự trầm trọng thêm trong quan hệ Mỹ – Xô và Mỹ – Trung; đảm bảo quân Trung Quốc rút khỏi Việt Nam, quân Việt Nam rút khỏi Campuchia và ngăn chặn Liên Xô mở rộng cuộc xung đột”. Tokyo và ASEAN phản đối chiến tranh, yêu cầu ngừng chiến tranh và đề nghị quân đội nước ngoài rút khỏi Đông Dương (Trung Quốc rút khỏi Việt Nam và Việt Nam rút khỏi Campuchia).
Đây thực sự là một sự đánh đồng bản chất của hai cuộc chiến. Trong khi lên án việc Việt Nam tiến đánh Khmer Đỏ là “một mối đe dọa cho hòa bình và ổn định”, tuyên bố của Mỹ về cuộc tấn công của Trung Quốc có hàm ý bào chữa rằng “việc Trung Quốc tấn công Việt Nam là kết quả của việc Việt Nam xâm lược Campuchia”.
Một lần nữa Mỹ lại bật đèn xanh cho Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam sau khi đã ngầm ủng hộ Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa. Chính Henry Kissinger đã nhận xét: “Chiến tranh Việt Nam lần thứ ba cũng là đỉnh cao của hợp tác chiến lược Trung-Mỹ trong Chiến tranh Lạnh”.
Việt Nam hoàn toàn bị cô lập trong cuộc chiến biên giới 1979 bởi tính toán chiến lược của các siêu cường.
Thời điểm chiến tranh
Ngày 7/12/1978, Quân ủy Trung ương Ðảng Cộng sản Trung Quốc triệu tập một cuộc họp kéo dài bốn, năm tiếng, quyết định mở một cuộc chiến tranh hạn chế ở phía nam biên giới để “phản kích tự vệ” Việt Nam. Ngày 8/12/1978, quân khu Quảng Châu và Côn Minh được lệnh phải hoàn tất việc chuẩn bị trước ngày 10/1/1979.
Chỉ thị nhấn mạnh rằng chiến tranh phải hết sức hạn chế, chỉ được diễn ra cách biên giới không quá 50km và kéo dài trong hai tuần.
Ngày 11/02/1979, hai ngày sau khi ông Đặng trở về Bắc Kinh từ chuyến đi Mỹ và Nhật, cuộc họp Bộ Chính Trị mở rộng đã được triệu tập. Mệnh lệnh phát động cuộc tấn công Việt Nam vào ngày 17/02/1979 đã được gửi tới các tư lệnh quân khu Quảng Tây và Vân Nam.
Mùa xuân là thời điểm thích hợp khi Trung Quốc tấn công Việt Nam mà không sợ có phản ứng mạnh từ Liên Xô. Nếu từ tháng Tư trở đi, mùa mưa có thể bất lợi cho việc tiến hành các chiến dịch quân sự, hoặc nếu tấn công sớm quá thì quân đội Liên Xô có thể dễ dàng vượt qua những con sông dọc biên giới Trung-Xô khi đó đang còn đóng băng. Miền Bắc Việt Nam đang vào xuân, thời tiết thuận lợi. Đây cũng là thời điểm sau Tết, nhiều hoạt động vui chơi, dễ mất cảnh giác.
Trung Quốc cũng tính toán tấn công chớp nhoáng Việt Nam khi Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt-Xô chưa kịp có hiệu lực và viện trợ quân sự của Liên Xô đến Việt Nam chưa nhiều. Chiến tranh cũng nổ ra 2 ngày sau khi Hiệp ước Hợp tác hữu nghị, đồng minh và giúp đỡ lẫn nhau Xô-Trung có thời hạn 30 năm hết hiệu lực (15/2/1979).
Liên Xô muốn kéo dài thời gian hiệu lực của Hiệp ước nhưng Trung Quốc không muốn. Đây là dịp tốt để Trung Quốc chấm dứt hoàn toàn mọi khả năng ký lại Hiệp ước này.
Ngày 18/02/1979 Trung Quốc đưa ra Tuyên bố chiến tranh hạn chế với Việt Nam, đồng thời răn đe khả năng một cuộc chiến tranh tổng lực chống Liên Xô. Trung Quốc tập trung dọc tuyến biên giới Xô – Trung khoảng 1,5 triệu quân trên tổng số quân thường trực chiến đấu là 3,6 triệu người để đối phó với hơn 40 sư đoàn Hồng quân Liên Xô triển khai ở đây.
Quân đội Việt Nam đang tập trung ở biên giới Tây Nam. Tại miền Bắc chỉ còn Quân đoàn 1 quân số thiếu làm nhiệm vụ bảo vệ Hà Nội. Ngoài một sư đoàn 3 Sao Vàng được điều về sau, biên giới hầu như chỉ còn lính biên phòng và dân quân tự vệ mà Bắc Kinh đánh giá không phải là đối thủ. Việc di chuyển quân từ Tây Nam ra Bắc qua hàng ngàn km đòi hỏi thời gian lớn ngay cả khi Việt Nam được Liên Xô hỗ trợ lập cầu hàng không. Cửa ngõ đến Hà Nội hầu như bỏ ngỏ.
Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc thời điểm đó đánh giá: “Cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu ngày 17/2/1979 do nhà cầm quyền Trung Quốc phát động, về tổng thể không bất ngờ đối với chúng tôi, nhưng về thời gian cụ thể và nhất là về qui mô binh lực mà Trung Quốc sử dụng thì quả là không tính tới…”.
Việt Nam có bị bất ngờ về chiến tranh biên giới không?
Căn cứ vào các Bị vong lục của Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc chuyển các công điện khẩn của Bộ Ngoại giao Việt Nam tới Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Việt Nam đã được báo động trước về khả năng có xung đột biên giới. Công điện chuyển thư của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh nêu rõ Trung Quốc đã tập trung hơn 20 sư đoàn tại biên giới và đe dọa sử dụng vũ lực với Việt Nam, đi ngược lại các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Bị vong lục của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 14/2/1979 lưu chiểu Liên Hợp Quốc ngày 16/2/1979, trích dẫn rất nhiều nguồn tin quốc tế nêu rõ đến ngày 9/2/1979 Trung Quốc đã triển khai khoảng 160.000 quân và 700 máy bay chiến đấu gồm cả máy bay ném bom F9 do Trung Quốc sản xuất tới biên giới Việt Nam, đào hầm hào, chuẩn bị tiến đánh sâu vào lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên tình cảm quốc tế vô sản và niềm tin vào những người anh em XHCN sâu đậm đã làm Việt Nam mất cảnh giác, không tin vào khả năng chiến tranh thực sự mà chỉ là những xung đột, đe dọa. Có thể kết luận Việt Nam bị bất ngờ về thời điểm và quy mô chiến tranh.
Trung Quốc đã chủ động quyết định tiến đánh và thời điểm khai chiến trong khi Việt Nam bị động và bất ngờ vào những ngày đầu cuộc chiến. Song cũng sẽ là sai lầm nếu kết luận Việt Nam không dự phòng và có kế hoạch đối phó. Tổng Bí thư Lê Duẩn đã có dự kiến: “Trong thời gian sắp tới, Trung Quốc có thể sẽ phát động một cuộc chiến tranh trong phạm vi và không gian lớn. Có thể chúng ta phải đụng với 1 – 1,5 triệu quân của Trung Quốc.
Các tỉnh biên giới phải hết sức cảnh giác và sẵn sàng cho cuộc chiến đấu”. Tại mặt trận Lạng Sơn, Việt Nam đã chủ động đào sẵn hơn 60 cây số chiến hào phòng thủ cùng với khoảng 2.000 cứ điểm chiến đấu.
Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc thời điểm đó đánh giá: “Cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu ngày 17/2/1979 do nhà cầm quyền Trung Quốc phát động, về tổng thể không bất ngờ đối với chúng tôi, nhưng về thời gian cụ thể và nhất là về qui mô binh lực mà Trung Quốc sử dụng thì quả là không tính tới…”.
Lực lượng tham chiến
Tổng số quân đội Trung Quốc vào thời điểm 1979 ước khoảng 4,5 triệu trong đó số quân được tập trung ở biên giới Việt-Trung khoảng 250.000. Trung Quốc có 121 sư đoàn bộ binh, 11 sư đoàn thiết giáp, 40 sư đoàn pháo binh, 3 sư đoàn không quân với 5.000 máy bay chiến đấu, 400.000 lính phòng không và 300.000 lính hải quân.
Vào đầu cuộc chiến tranh, Trung Quốc huy động quân của hai đại quân khu Quảng Tây và Vân Nam, gồm 9 quân đoàn chủ lực và 32 sư đoàn bộ binh độc lập; 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn, nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không cùng hàng trăm pháo hạng nặng, hàng nghìn súng cối và dàn hỏa tiễn. Quân Trung Quốc ước lượng có 600.000 người.
Hải quân phái một lực lượng đặc nhiệm (gồm hai tàu khu trục tên lửa cùng ba đội tàu phóng lôi nhanh có hỏa tiễn) tới quần đảo Hoàng Sa (mà Bắc Kinh xâm chiếm từ tháng 1/1974) để phòng trường hợp Liên Xô can thiệp bằng hải quân. Hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam đã huy động hàng chục ngàn quân và dân công để hỗ trợ hoạt động quân sự. Không quân Trung Quốc không tham dự trực tiếp nhưng đã có 8.500 chuyến bay trinh thám và 228 chuyến bay trực thăng vận tải.
Quân đội Nhân dân Việt Nam được đánh giá có khoảng 600.000 bộ binh, 3.000 lính thủy, 300 máy bay và 12.000 lính phòng không, trong đó 19 sư đoàn tập trung ở biên giới Tây Nam, 4 sư đoàn ở biên giới Lào trước cuộc chiến tranh Việt-Trung. Lực lượng còn lại giữ Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ chỉ khoảng 100.000.
Niên giám châu Á năm 1980 cho biết lực lượng Việt Nam đóng ở biên giới gồm sư đoàn 3 (đóng tại Lạng Sơn) và sư đoàn 316A (đóng tại Sa Pa), sư đoàn 346 ở Cao Bằng, 325B ở Quảng Ninh, 345 ở Lào Cai, 326 ở Phong Thổ, Lai Châu.
Các lực lượng còn lại gồm bộ đội địa phương, công an vũ trang (bộ đội biên phòng), dân quân tự vệ và nhân dân 6 tỉnh biên giới Lai Châu, Hoàng Liên Sơn (Lào Cai, Yên Bái), Hà Tuyên (Hà Giang – Tuyên Quang), Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Con số tổng lực lượng phòng thủ của Việt Nam tại các tỉnh biên giới phía Bắc chỉ có khoảng 50.000 quân.
Như vậy, quân Trung Quốc tham chiến gấp hơn 10 lần lực lượng tham chiến thực tế của Việt Nam.
Quân đội Việt Nam được đánh giá là thiện nghệ, có kinh nghiệm chiến đấu, có vũ khí trang bị hiện đại từ kho chiến lợi phẩm thu được từ Mỹ và sự giúp đỡ của Liên Xô. Tuy nhiên các yếu tố này không phát huy được nhiều tại biên giới Việt-Trung lúc xảy ra chiến sự vì hầu như chỉ có quân địa phương, công an vũ trang trang bị vũ khí nhẹ và dân quân tự vệ bảo vệ biên giới.
Quân đội Trung Quốc là bậc thầy về sử dụng pháo binh. Trong chiến tranh, Trung Quốc đã huy động 18.000 khẩu pháo các loại từ 37, 57, 82 ly cho đến 130, 160, 180 ly, dàn hỏa tiễn. Khoảng 700 máy bay đã được huy động nhưng không tung vào tham chiến vì e ngại lưới lửa phòng không và lực lượng không quân có tiếng của Việt Nam. Từ chiến tranh biên giới Trung – Ấn năm 1962, quân đội Trung Quốc không đánh trận, không có kinh nghiệm chiến trường. Hậu quả 10 năm cách mạng văn hóa cũng làm quân đội Trung Quốc suy yếu, nhiều lính mới nhập ngũ. Bù lại, Trung Quốc có đội quân “sơn cước” tuyển mộ từ những người Hoa ở Việt Nam lâu năm quen biết địa hình, thông thổ, dẫn đường cho quân đội.
Địa hình miền núi phía Bắc Việt Nam phức tạp, không thuận lợi cho Trung Quốc triển khai các đơn vị tăng thiết giáp và ngăn cản các thiết bị thông tin lạc hậu. Tuy nhiên, các tướng lĩnh Trung Quốc với chiến thuật biển người truyền thống tin tưởng rằng họ sẽ đè bẹp đối phương trong thời gian ngắn.
So sánh lực lượng, Trung Quốc có thế áp đảo hơn Việt Nam nhiều lần. Ông Đặng Tiểu Bình đặt quyết tâm chỉ có thể thắng-hoặc có thể giải thích là đã thắng trong cuộc chiến-để dẹp tan mọi dư luận chống đối. Tình hình nội bộ Trung Quốc còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Cuộc tấn công Việt Nam là một biện pháp tranh giành quyền lực và thúc đẩy bốn hiện đại hóa quân đội Trung Quốc, củng cố quyền lực cho nhà cầm quyền.
Các sử gia phương Tây kết luận cuộc chiến năm 1979 không phải là một cuộc phản kích tự vệ hạn chế như Trung Quốc tuyên truyền. Chiến dịch năm 1979 đã là một hoạt động quân sự lớn liên quan đến gần mười một đoàn quân Trung Quốc, có quy mô tương đương với cuộc tấn công của quân Trung Quốc trong chiến tranh Triều Tiên tháng 11/1950, và vượt quá sâu biên giới Trung Quốc – Việt Nam.
Diễn biến cuộc chiến biên giới 1979
Cuộc tấn công được bắt đầu vào 3 giờ sáng ngày 17/2/1979. Trung Quốc bất ngờ đưa quân tràn qua biên giới, đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới lãnh thổ Việt Nam từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) với chiều dài 1.200 km.
Từ đêm 16/2, các tổ thám báo Trung Quốc đã mang theo bộc phá luồn sâu vào nội địa Việt Nam móc nối với “lực lượng thứ năm” bí mật cắt các đường dây điện thoại, phục sẵn các ngã ba đường, bờ suối, cây cầu, khai quật các hầm vũ khí đã được chôn lấp chuẩn bị trước. Được sự dẫn đường của lính sơn cước và đạo quân thứ năm, quân Trung Quốc vòng qua các vị trí đồn công an vũ trang Việt Nam, thọc sâu, đánh chiếm các vị trí huyện lỵ quan trọng.
Tối 17/2/1979, Thông tấn xã Việt Nam kêu gọi Liên Xô và các nước anh em giúp đỡ bảo vệ Việt Nam chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng gửi ngay Công hàm cho Liên Hợp Quốc kêu gọi Trung Quốc ngừng ngay cuộc chiến xâm lược.
Ngày 18/2/1979, Liên Xô ra tuyên bố ủng hộ cuộc chiến đấu của Việt Nam; “Nhân dân Việt Nam anh hùng, lại vừa trở thành nạn nhân của cuộc xâm lược hôm nay, có đủ khả năng để quật khởi cho chính họ một lần nữa, và hơn thế họ có những người bạn tin cậy được. Liên Xô sẽ nghiêm chỉnh tôn trọng những cam kết theo Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa Liên bang CHXHCN Xô viết và CHXHCN Việt Nam”.
Liên Xô cũng cảnh báo Trung Quốc bằng việc đặt các lực lượng vũ trang Liên Xô ở Siberia vào tình trạng báo động đồng thời cung cấp cho Việt Nam một số thông tin quân sự thu được từ vệ tinh do thám. Ngày 19/2/1979, một nhóm các cố vấn quân sự của Liên Xô do đại tướng Gennady Obaturov dẫn đầu tới Hà Nội.
Trong giai đoạn từ khi cuộc xung đột bắt đầu (giữa tháng 2) đến cuối tháng 3/1979, bằng đường thủy, Liên Xô đã hỗ trợ cho Việt Nam hơn 400 xe tăng và xe bọc thép, xe chở quân, 400 cỗ pháo và súng phóng lựu, 50 dàn phóng đạn phản lực 40 nòng, cỡ 122 mm “Grad”, hơn 100 cỗ pháo cao xạ, 400 đồng bộ cao xạ di động cùng hàng ngàn tên lửa đi theo, 800 súng chống tăng của bộ binh, 20 máy bay tiêm kích.
Hai hoạt động trợ giúp quân sự đáng kể nhất của Liên Xô là giúp hỗ trợ vận chuyển hàng không quân đội Việt Nam từ biên giới Tây Nam về Bắc và triển khai một số tàu chiến ngăn chặn tàu Mỹ ở Biển Đông vào những tuần đầu tháng 3. Liên Xô cũng triển khai một cuộc tập trận từ ngày 12 đến 26/3/1979 trên lãnh thổ Mông Cổ và trên biển Thái Bình Dương.
Phản ứng ngoại giao và quân sự của Liên Xô cho thấy họ sẽ không can thiệp khi cuộc xung đột chỉ ở mức độ hạn chế. Liên Xô không có ý định động binh ở một quy mô lớn nguy hiểm với Trung Quốc chỉ để cứu Việt Nam. Trong cùng thời gian, các cuộc đàm phán biên giới Xô – Trung vẫn được tiến hành và đạt được một số thỏa thuận về hải hành trên sông biên giới.
Nghiên cứu của Trung Quốc chia cuộc chiến 29 ngày thành hai giai đoạn: cuộc chiến phản kích tự vệ (17/2-5/3) và cuộc rút lui (5/3-16/3).
Trong những ngày đầu tiên, quân Trung Quốc đã tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam có chỗ đến 15-20 km. Dù bị bất ngờ song chỉ với lực lượng công an vũ trang và dân quân địa phương, Việt Nam đã quả cảm chặn đánh, ghìm chân quân Trung Quốc nhiều ngày.
Ngày 5/3/1979, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Tôn Đức Thắng ra lệnh tổng động viên toàn quốc. Cùng ngày, Trung Quốc tuyên bố “hoàn thành mục tiêu chiến tranh” và rút quân.
Tuyên bố rút quân có đoạn: “Quân đội biên phòng Trung Hoa sau khi đạt được những mục đích đề ra vì buộc phải mở cuộc phản công tự vệ ngày 17/2 chống lại những cuộc xâm lấn và xâm lược có vũ trang không dứt của quân xâm lược Việt Nam chống Trung Hoa, nay Chính phủ Trung Hoa tuyên bố kể từ ngày 5/3 tất cả các quân biên giới Trung Hoa sẽ rút lui về lãnh thổ Trung Hoa.
Chính phủ Trung Hoa nhấn mạnh rằng chúng tôi không muốn một phân đất của Việt Nam nhưng chúng tôi cũng không chịu được những cuộc xâm nhập phá hoại vào trong lãnh thổ Trung Hoa. Tất cả những gì mà chúng tôi muốn là một đường biên giới hòa bình và bền vững…”.
Trung Quốc cũng kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán mà ngay từ đầu chiến tranh Việt Nam đã từng đề nghị nhưng không được đáp ứng.
Ngày 7/3, thể hiện thiện chí hòa bình, Việt Nam tuyên bố cho phép Trung Quốc rút quân. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ: “Nhân dân Việt Nam tôn trọng nhân dân Trung Hoa, cố gắng duy trì tình hữu nghĩ bền vững và mong muốn lập lại hòa bình trong khu vực Đông Nam Á. …Nếu việc triệt thoái là một âm mưu che đậy chính sách xâm lược thì nhân dân Việt Nam sẽ đánh trả. Lệnh tổng động viên đã có hiệu lực và nhân dân Việt Nam sẽ đáp ứng lời kêu gọi để sẵn sàng chiến đấu.”
Các cuộc đàm phán ở cấp Thứ trưởng ngoại giao sẽ được tiến hành với điều kiện quân Trung Quốc phải rút hết về nước. Quân đội Việt Nam thi hành chính sách nhân đạo “trải thảm đỏ” cho quân Trung Quốc rút lui mà không tổ chức các cuộc truy kích. Ngược lại, cuộc rút quân của Trung Quốc với chính sách tận diệt đã mang lại biết bao đau thương, thiệt hại cho Việt Nam. Các thị xã Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn và một số thị trấn khác bị san phẳng.
Các nhà báo nước ngoài đưa tin quân Trung Quốc trên đường rút đã cướp bóc, tàn sát và phá hoại, đốt phá nhà cửa của dân chúng Việt Nam. Chiến dịch tàn phá này được lính Trung Quốc gọi là “nụ hôn từ biệt”.
Ngày 15/3/1979, Bộ Ngoại giao CHXHCN Việt Nam ra một “Bị vong lục”, tố cáo Trung Quốc:
1. xâm canh, xâm cư, xâm lược lấn đất;
2. lợi dụng các công trình hữu nghị để di chuyển những trụ mốc;
3. đơn phương xây dựng các công trình biên giới lấn vào lãnh thổ Việt Nam;
4. “mượn đất Việt Nam để lấn vào lãnh thổ;”
5. xê dịch mốc biên giới và xuyên tạc luật pháp để lấn đất;
6. Làm đường biên giới lấn sang Việt Nam;
7. Lợi dụng việc vẽ bản đồ cho Việt Nam để sửa biên giới;
8. Dùng lực lượng vũ trang để đóng đồn, lấn đất;
9. Chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, nhưng nhai đi nhai lại luận điểm “Trung Quốc không thèm một tấc đất của Việt Nam.”
Ngày 16/3/1979, Bắc Kinh tuyên bố đã hoàn tất việc rút quân, và kêu gọi Việt Nam triệt thoái khỏi Campuchia.
Tuy nhiên, suốt hơn 10 năm (1979-1990), chiến sự vẫn tiếp diễn, cao điểm nhất là năm 1984-1985. Chiến sự tập trung ở những khu vực không được biết đến, xa đường giao thông, cửa khẩu quốc tế nhằm hạ thấp sự chú ý của dư luận quốc tế. Nhiều đơn vị quân đội của Trung Quốc đã được luân chuyển tới biên giới, biến biên giới Bắc Việt Nam thành thao trường.
Việt Nam vì thế buộc phải thường xuyên duy trì một lực lượng quân sự lớn dọc biên giới.
Suốt hơn 10 năm (1979-1990), chiến sự vẫn tiếp diễn, cao điểm nhất là năm 1984-1985
Hậu quả của cuộc chiến
Giáo sư sử học Edward C. O’dowd tổng kết “người Việt Nam rất yêu nước, thấm nhuần tư tưởng chính trị, giỏi chịu đựng, không dễ bị lung lạc,…”.
Theo tướng Ngũ Tu Quyền, Phó Tổng tư lệnh Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Trung Quốc có hơn 2 vạn chiến binh tử trận trên chiến trường Bắc Việt Nam.
Theo nhà sử học Gilles Férier thì có khoảng 25.000 lính Trung Quốc thiệt mạng và gần 500 xe bọc thép hoặc pháo bị phá hủy. Russell D. Howard thì cho rằng quân Trung Quốc thương vong 6 vạn người, trong đó số chết là 26.000. Sử gia Mỹ gốc Hoa King C. Chen nói phía Trung Quốc có 26.000 quân bị chết và 37.000 người bị thương. Trương Hiểu Minh sử dụng con số này.
Phía Việt Nam có 30.000 binh sĩ bị chết và 32.000 người bị thương; Phía Trung Quốc đã trao trả 1.638 tù binh Việt Nam đổi lấy 260 tù binh Trung Quốc.
Tạp chí Time của Mỹ lại đưa ra con số khá khác biệt: ít nhất 20.000 lính Trung Quốc thiệt mạng, trong khi số bộ đội Việt Nam chết chưa tới 10.000.
Gần đây, phía Trung Quốc đưa ra số liệu khác, giảm tổn thất, cho rằng chỉ có 6.900 lính chết và 15.000 bị thương, tổng số thương vong là 21.000 trong tổng số lực lượng tham gia chiến hơn 300.000 tức chưa tới 1% (0.7%).
Tạp chí Quân đội Nhân dân và Tạp chí Cộng sản của Việt Nam số tháng 4 năm 1979 cho biết Việt Nam đã tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 280 xe tăng và xe bọc thép, 279 xe vận tải, phá hủy 115 khẩu pháo và cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự, bắt nhiều tù binh” Con số ước lượng của Việt Nam về tổng thiệt hại và thương vong của quân Trung Quốc là 62.500 người trên tổng số 600.000 quân tham chiến (chiếm 1.04%). Đã có cả một đại đội sơn cước Trung Quốc gồm cả phó chỉnh ủy trung đoàn đi cùng ra đầu hàng.
Dù theo con số nào thì các nghiên cứu nước ngoài đều cho rằng Việt Nam “trên thực tế đã chiến đấu tốt hơn” quân Trung Quốc và thương vong của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh ngắn như vậy là quá cao, trung bình một ngày mất một trung đoàn, phản ánh chiến thuật biển người của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, sẵn sàng thí quân.
Henry Kissinger trong cuốn On China đã đưa ra một so sánh: “…PLA tiến quân rất chậm và phải trả giá đắt. Theo thống kê của một số nhà phân tích, trong một tháng giao tranh với Việt Nam, số thiệt mạng của PLA ngang với số lính Mỹ bị giết trong những năm tháng khốc liệt nhất của chiến tranh Việt Nam”.
Ông cũng nhận định: Cuộc chiến ngắn ngày đã tiêu tốn của Trung Quốc khoảng 1,3 tỷ USD và làm ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình cải cách kinh tế. Việt Nam cũng bị tổn hại nặng nề về kinh tế, chịu hậu quả bởi chính sách bao vây cấm vận của Mỹ và Trung Quốc.
Trung Quốc đã học được bài học quân sự đắt giá của chính mình
Hai nước có hơn 10 năm căng thẳng trong quan hệ và xung đột vũ trang dọc biên giới, trong đó Việt Nam bị ảnh hưởng nặng hơn do buộc phải thường xuyên duy trì một lực lượng quân sự khổng lồ dọc biên giới, gây hậu quả mất cân đối, mất cân bằng, tác động xấu đến nền kinh tế. Sinh hoạt và sản xuất của người dân vùng biên giới bị ảnh hưởng tiêu cực.
Giới phân tích nhận định, thay vì dạy cho Việt Nam một bài học, Trung Quốc đã học được bài học quân sự đắt giá của chính mình.[1] Đánh giá về hệ quả cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung 1979 cần đối chiếu với các mục tiêu của các bên đề ra trước cuộc chiến.
Về mục tiêu chính trị: Trung Quốc không thể “dạy cho Việt Nam một bài học” như lời Đặng Tiểu Bình đã nói. Trung Quốc không tác động được đường lối đối ngoại độc lập tự chủ của Việt Nam. Họ đã không buộc được Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia, cứu được chính quyền Pol Pot. Trung Quốc cũng không gây được ảnh hưởng lên chính phủ Việt Nam trong vấn đề Hoa kiều, chính sách của Việt Nam đối với Trung Quốc, với Liên Xô, với Mỹ. Họ cũng không đánh bại được ý chí của người Việt Nam trong tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cuộc chiến tranh này tiếp tục thể hiện truyền thống Đại Hán theo đó Trung Quốc là cái nôi của thế giới, các quốc gia nhỏ bé khác bên ngoài Trung Quốc, trong đó có Việt Nam, là man di và phải là những chư hầu trong vùng ảnh hưởng của Trung Quốc, chịu sự dạy dỗ của Trung Quốc. Ý đồ đã được tuyên bố của Trung Quốc là “dạy cho Việt Nam bài học” đã biến mục tiêu hàng đầu của cuộc chiến tranh thành một “hành động trả thù”.
Cuộc chiến tranh đã làm các nước trong khu vực lo sợ về hình ảnh một nước lớn sẵn sàng đặt mình trên nước khác, sử dụng vũ lực nếu vị thế và uy lực của mình bị thách thức.
Không nước ASEAN nào vui vẻ với sự trừng phạt Việt Nam của Trung Quốc. Đại diện của Singapore tại Liên Hiệp Quốc, Tommy Koh nói tại Liên Hiệp Quốc: “Lẽ ra Trung Quốc không nên tự mình quyết định luật lệ…” Thái độ kẻ cả, không tôn trọng bình đẳng chủ quyền giữa các nước, không phù hợp với luật pháp quốc tế đã bị nhân loại phê phán. “Bất kể vì lý do gì”. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Sunao Sonoda bình luận rằng “việc gửi quân xâm nhập nước khác là không đúng”.
Tuy nhiên, Trung Quốc đạt được những mục tiêu nhất định trong quan hệ với các cường quốc. “Washington vừa công khai lên án cả cuộc xâm lược của Việt Nam vào Campuchia và cả cuộc xâm lược của Trung Quốc vào Việt Nam lại vừa chia sẻ mối quan tâm của Trung Quốc trong việc ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô tại Đông Nam Á. Ý chí sẵn sàng sử dụng vũ lực của Bắc Kinh, bất chấp gánh chịu thương vong, đã biến Trung Quốc thành “một bức tường ngăn chặn có giá trị” chủ nghĩa bành trướng Xô-Việt. Washington vào thời điểm đó đã tiếp tục tìm kiếm một mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc để cân bằng cán cân với Liên Xô”.
Trung Quốc tỏ rõ quyết tâm ngả về Mỹ, làm hả hê Mỹ vì trả được nhục thất bại tại Việt Nam, tận dụng được viện trợ Mỹ và tiếp tục gây sức ép làm Việt Nam kiệt quệ chảy máu, buộc phải rút khỏi Campuchia vào năm 1989. Trung Quốc cũng đã thành công trong việc tiên liệu đúng phản ứng của Liên Xô qua đó đạt được phần nào mục tiêu hạ thấp vai trò và uy tín của Liên Xô. Với quyết tâm của mình, sự giúp đỡ của Mỹ và khả năng tận dụng các biến cố chính trị, Trung Quốc có đủ thời gian và điều kiện thực hiện hiện đại hóa, thực hiện mục tiêu “cường quốc, cường quân” và vươn lên trở thành cường quốc thứ hai trên thế giới.
Về mục tiêu quân sự: Trung Quốc không thể tiêu diệt được sư đoàn nào của Việt Nam. Họ đã thể hiện trình độ chiến đấu kém trong cuộc chiến. Tại Lạng Sơn, 2 Quân đoàn Trung Quốc đã bị một trung đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam cầm chân trong 1 tuần, một Quân đoàn khác cần 10 ngày để tiến vào Lào Cai và Cam Đường – hai đô thị cách biên giới không đến 15 km.
Số chết và thương vong của Trung Quốc trong cuộc chiến là quá cao. Mục tiêu quân sự lớn nhất mà Trung Quốc đạt được có lẽ là thành công trong việc sử dụng các thiệt hại đau đớn của cuộc chiến tranh Trung – Việt để thuyết phục lãnh đạo Trung Quốc về nhu cầu cần hiện đại hóa.
Về mục tiêu kinh tế: Trung Quốc đã phá hủy tận diệt các cơ sở kinh tế của Việt Nam ở vùng biên giới song không làm kiệt quệ kinh tế Việt Nam, buộc phải phụ thuộc vào Trung Quốc. King C. Chen đã mô tả mức độ triệt hạ như sau: “Ở mọi nơi các cây cầu bị giật sập và các đường xá bị gài mìn và phá hủy. Các bệnh viện tại Lào Cai, Lạng Sơn và Cao Bằng bị triệt hạ.
Tại cả ba thị trấn… mọi sự bị đổ nát và tất cả đều câm lặng. Khoảng 80% các kiến trúc bị phá hủy. Không một cột điện duy nhất nào còn đứng lại trong hay quanh ba thị trấn … Có sự khan hiếm nước uống khắp nơi trong vùng và dòng điện bị cắt đứt. Các ngôi làng kề cận cũng nằm trong sự đổ nát …”. Các thiệt hại này cộng thêm bao vây cấm vận của Mỹ về lâu dài đã làm cho kinh tế Việt Nam khó khăn.
Về mục tiêu biên giới lãnh thổ: Trung Quốc không thay đổi được đường biên giới Việt – Trung theo ý Trung Quốc nhất là tại những nơi Công ước Pháp – Thanh chưa giải quyết triệt để. Song Trung Quốc cũng không tôn trọng tuyên bố rút quân ngày 5/3/1979 của mình, vẫn tiếp tục chiếm đóng một số vùng đất và điểm cao trong lãnh thổ Việt Nam, khống chế để hợp thức hóa và gây áp lực trong đàm phán.
Gerald Segal kết luận, cuộc chiến tranh chống Việt Nam của Trung Quốc năm 1979 là một thất bại hoàn toàn: “Trung Quốc đã không thể buộc Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia, không chấm dứt được các cuộc đụng độ ở biên giới, không tạo được sự nghi ngờ về sức mạnh của Liên Xô, không xua đi được hình ảnh về Trung Quốc là một con hổ giấy, và không kéo được Mỹ vào một liên minh chống Liên Xô”.
Harlan W. Jencks đánh giá: Bất kể mọi tính toán bá đạo tinh vi kiểu Machiavelli trong việc ấn định thời biểu của cuộc “tự vệ hoàn kích”, và bất kể mọi sự hy sinh của các binh sĩ và dân chúng của họ, các giới chức thẩm quyền Trung Quốc có lẽ đã thiệt hại nhiều hơn những gì họ thu được”.
Lãnh đạo và các nhà nghiên cứu Trung Quốc lại có cái nhìn khác về chiến thắng khi coi trọng các kết quả địa chính trị hơn là hiệu năng tác chiến trên chiến trường.
Alnie Ginck trong nghiên cứu công bố năm 1992 lại cho rằng: “Cuộc chiến tranh đã đạt được thành công nhất định khi nó được xem như một chiến thuật trong chiến lược chiến tranh tiêu hao kéo dài của Trung Quốc”. Trung tướng Lưu Á Châu, Chính ủy Đại học Quốc phòng Trung Quốc, nhận xét về thành công của Trung Quốc trong chiến tranh 1979: “Cuộc chiến của Đặng Tiểu Bình là đánh để hai người xem, một là Đảng Cộng sản Trung Quốc, hai là người Mỹ… Về chính trị, cuộc chiến này không thể không đánh.
Cuộc chiến đã tạo nền tảng bình thường hóa quan hệ với Mỹ, có 10 năm quan hệ nồng ấm, mang lại cho Trung Quốc sự viện trợ ồ ạt kinh tế, kỹ thuật, khoa học, nguồn vốn và cả quân sự cần thiết cho cải cách…
Từ góc nhìn chiến lược, cả Việt Nam và Liên Xô đều gặp khó khăn hơn Trung Quốc. Vì thế Liên Xô rốt cuộc nhận ra họ không thể tiếp tục hỗ trợ Việt Nam vào cuối thập niên 1980.
Các bài học
Cuộc chiến biên giới kéo dài và những bất ổn của tình hình quốc tế buộc Việt Nam phải rút khỏi Campuchia, sớm tính đến bình thường hóa quan hệ và nhanh chóng giải quyết vấn đề biên giới.
Sau năm 1989 (khởi đầu sự sụp đổ của Liên Xô), Việt Nam phải điều chỉnh chiến lược đối ngoại của mình do hậu quả cuộc chiến biên giới và 10 năm suy thoái kinh tế.
John M. Peppers phân tích: Thứ nhất, Việt Nam đánh mất sự cân băng ảnh hưởng truyền thống, quý giá giữa các cường quốc, nối kết nhiều hơn với Liên Xô. Chính vì thế, Việt Nam, giống như Cuba, đã phải trả giá đắt hơn phần lớn các nước khác với sự sụp đổ của Liên Xô. Thứ nhì, Việt Nam đã không đạt được mục đích hay vấn đề gì của mình với Trung Quốc.
Từ ngay chính vấn đề biên giới, cho đến vùng biển Vịnh Bắc Bộ và các quyền đánh cá, cho đến Quần đảo Trường Sa, các cuộc đàm phán và tiến triển đã bị trì hoãn trong 20 năm.
Thứ ba, Việt Nam đã bị gán nhãn hiệu trên bình diện quốc tế như một mối đe dọa cấp vùng (và một chư hầu của Liên Xô), mất đi viện trợ thiết yếu từ Australia, Nhật Bản, Thụy Điển, Đan Mạch, cũng như dầu hỏa của Trung Quốc. Kết quả là một hiệu ứng tàn phá chồng chất trên nền kinh tế trong thời gian dài.
Sau cùng, sự căng thẳng và cạn kiệt các nguồn lực trong năm 1979 và hậu quả của nó trên các vấn đề đối nội của Việt Nam không thể bị đánh giá thấp, “bởi đối với Việt Nam, cái giá chiến đấu hai trận chiến tranh trong một thời kỳ ba tháng là quá đắt. Nền kinh tế dọc biên giới Trung Quốc đã bị tàn phá”.
Tuy nhiên một lần nữa, lịch sử lại nhắc lại các bài học đáng giá cho Việt Nam:
Bài học cảnh giác và lợi ích quốc gia trên hết. Cuộc chiến 1979 cho thấy trong quan hệ quốc tế, lợi ích quốc gia là cao nhất, trên cả tinh thần quốc tế vô sản và nhiều khi các bên sẵn sàng sử dụng vũ lực để đạt mục tiêu chính trị. Henry J. Kenny nhận xét: “Dù có một điều nhìn chung được công nhận là Việt Nam đã dạy cho Trung Quốc một bài học quân sự trong năm 1979, điều cũng đúng không kém là Trung Quốc đã dạy cho Việt Nam một bài học chính trị. Bài học đầu tiên mà Việt Nam học được là Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực khi cần thiết để đạt được các mục tiêu chính trị quan trọng, bất kể các lời tuyên bố trong quá khứ về nguyên tắc”.
Chiến tranh biên giới 1979 là không thể tránh khỏi, khi Trung Quốc đã quyết tâm sử dụng biện pháp quân sự để đạt mục tiêu chính trị. Câu hỏi chỉ còn là làm thế nào, trong các hoàn cảnh tương tự, khôn khéo hạn chế thấp nhất những hậu quả không mong muốn và tránh được những cuộc chiến trong tương lai?
Bài học tự cường, độc lập trong các quyết định. Là nước nhỏ, Việt Nam rất cần sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước khác, cần đồng minh trong các mối quan hệ quốc tế song cũng cần tỉnh táo không nghiêng về bên nào, không đánh đổi độc lập chủ quyền lấy một sự giúp đỡ vật chất hay tinh thần.
Chiến tranh 1979 đã tạo cảm hứng cho chính sách đối ngoại của Việt Nam những năm sau này; muốn làm bạn và sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt ý thức hệ, thể chế, trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng luật quốc tế. Đó cũng là tiền đề cho chính sách “ba không” của quốc phòng Việt Nam: “không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia.”. Đây là sự phát triển đã được đúc kết trong các sách trắng quốc phòng 1998, 2004 và 2009.
Bài học chung sống với các nước láng giềng. Việt Nam cần áp dụng nhuần nhuyễn kinh nghiệm chung sống từ lịch sử của cha ông. Chính trong những ngày tháng ác liệt nhất của chiến tranh biên giới 1979-1989, quyết định tưởng như không tưởng về tìm đường bình thường hóa quan hệ giữa hai nước đã dần được hình thành.
Bài học phải tận dụng mọi thời cơ để giải quyết dứt điểm vấn đề biên giới lãnh thổ, tạo môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước. Tranh chấp biên giới lãnh thổ luôn là ngòi nổ cho hầu hết các cuộc chiến tranh. Khía cạnh tranh chấp biên giới đã bị các yếu tố khác của cuộc chiến làm lu mờ nhưng thực sự đó là vấn đề lớn. Vì vậy một trong những nhiệm vụ đầu tiên sau bình thường hóa quan hệ là đàm phán giải quyết biên giới lãnh thổ.
Bài học về xây dựng đất nước. Muốn xây dựng đất nước phải giữ cho được “trong ấm ngoài êm”. Việt Nam mạnh lên mới có thể bảo đảm tránh được các cuộc xung đột vũ trang, mới có tiếng nói và tự quyết định vận mệnh mình. Chính sách đối ngoại của Việt Nam phải tạo được môi trường hòa bình, ổn định thuận lợi cho phát triển kinh tế, xây dựng tiềm lực cho đất nước.
Các bài học này có những mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Việc bình thường hóa và tập trung giải quyết vấn đề biên giới chính nhằm mục tiêu tạo môi trường hòa bình và ổn định cho phát triển một Việt Nam hùng cường trong tương lai.
Cuộc chiến 1979 là một vết đen trong quan hệ hai nước anh em, đã từng sát cánh giúp đỡ nhau trong đấu tranh giành độc lập. Lịch sử là lịch sử. Những bài học rút ra từ hai phía là cần thiết, không phải để nuôi dưỡng hận thù, mà để tránh những sai lầm lặp lại, vun đắp cho tình hữu nghị giữa hai nước láng giềng anh em.
Trong giai đoạn này, biên giới Việt – Trung trở lại vai trò phong vũ biểu phản ánh quan hệ xa gần giữa hai nước. Vấn đề biên giới đã bị chính trị hóa, đẩy từ xung đột lên chiến tranh. Cả hai bên đều không muốn những tác hại không lường được của cuộc chiến với mình, nhất là trường hợp của Việt Nam, song cũng không thể tránh khỏi cuộc chiến do tác động của các lực đẩy toan tính chính trị từ bên ngoài và trong nội bộ mỗi nước. Mối quan hệ địa chính trị lâu đời một lần nữa vẫn là dòng chảy chính để hai nước xếp lại bất đồng.
Việt Long
Chuyên mục hợp tác cùng Chuyên trang nghiên cứu Quốc tế (nghiencuuquocte.org)
Nguồn: Tuần Việt Nam
PHẢN HỒI