Sau khi giành Giải Tự do Báo chí của RSF vào tháng 09/2019, cựu phóng viên Phạm Đoan Trang đã vượt qua nhóm “trí thức phò chính thống” của ô...
Sau khi giành Giải Tự do Báo chí của RSF vào tháng 09/2019, cựu phóng viên Phạm Đoan Trang đã vượt qua nhóm “trí thức phò chính thống” của ông Chu Hảo, để trở thành gương mặt sáng giá nhất của phong trào dân chủ Việt Nam. Vậy để chạm đến vinh quang này, cô đã phải đi qua những hành trình nào, và trả những cái giá gì?
Mời bạn đọc loạt bài viết “Tiểu sử Phạm Đoan Trang” để trả lời câu hỏi đó.
Tiểu sử Phạm Đoan Trang – Kỳ 1: Từ phóng viên ôn hòa đến nhà hoạt động cực đoan
Trước khi trở thành một nhà hoạt động nổi tiếng trong phong trào dân chủ, Phạm Đoan Trang đã có hơn 10 năm làm việc trong các tờ báo chính thống ở Việt Nam.
Khi chuyển từ một phóng viên thành một nhà hoạt động, Đoan Trang cũng đánh mất dần thái độ ôn hòa, khách quan, và các tiêu chuẩn đạo đức mà cô từng có.
1. Tóm tắt sự nghiệp phóng viên của Phạm Đoan Trang
Phạm Đoan Trang sinh năm 1978 trong một gia đình trí thức ở Hà Nội. Cô học trường trung học Hà Nội – Amsterdam, và tốt nghiệp Khoa Kinh tế, Đại học Ngoại thương Hà Nội với bằng trung bình khá.
Sau khi ra trường, khoảng năm 2001, cô làm phóng viên báo điện tử VnExpress trong 2 năm. Tiếp đó, cô chuyển sang làm cho Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC (khi đó mới thành lập), và một số công ty truyền thông khác. Năm 2004 và 2005, cô tham gia làm báo hình ở Vietnamnet và VTV. Sau khi rời VTC vào năm 2007 vì không chịu nổi mức thu nhập thấp, cô chuyển sang làm phóng viên báo điện tử Vietnamnet, rồi được giao phụ trách chuyên mục “Phát ngôn & Hành động Ấn tượng” trên chuyên trang Tuanvietnam của Vietnamnet.
Cuối tháng 08/2009, Bùi Thanh Hiếu, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Phạm Đoan Trang bị bắt tạm giữ 9 ngày, do liên quan đến một kế hoạch in áo phông phản đối dự án Bauxite Tây Nguyên, trong đó đảng Việt Tân là nhà tài trợ. Dù Trang nói cô không biết kế hoạch, chỉ cho Hiếu mượn tài khoản để nhận tiền, vụ việc này cũng khiến cô chịu nhiều sức ép, và buộc phải rời Vietnamnet vào tháng 02/2010.
Ngay sau khi rời Vietnamnet, Trang được Mai Phan Lợi, Trưởng Đại diện văn phòng Hà Nội của báo Pháp luật TP.HCM vào thời điểm đó, nhận vào làm tại báo này. Năm 2012, Lợi tiếp tục tuyển Trịnh Hữu Long – người vừa gặp và kết bạn với Đoan Trang trong đợt biểu tình “chống Trung Quốc” hồi mùa hè năm 2011. Cuối tháng 08/2012, Lợi thành lập “Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng” (MEC), và đưa Trang vào Hội đồng Khoa học của tổ chức đó. Ngoài ra, trong giai đoạn 2008-2012, Phạm Đoan Trang và Trịnh Hữu Long còn viết bài cho Nhịp Cầu Thế Giới (trang tin do một nhóm cựu học sinh Việt Nam tại Hungary sáng lập vào năm 2001), Chúng Ta (trang thông tin chịu ảnh hưởng của Nguyễn Trần Bạt), và báo điện tử Tia Sáng (chịu ảnh hưởng của ông Chu Hảo).
Khi Phạm Đoan Trang, Trịnh Hữu Long và Nguyễn Anh Tuấn xuất ngoại để gia nhập tổ chức VOICE vào tháng 01/2013, Trang và Long cũng chấm dứt sự nghiệp phóng viên, để trở thành người làm chính trị chuyên nghiệp.
2. Vì sao Đoan Trang thành công trong sự nghiệp phóng viên?
Trong giai đoạn 2008-2012, Phạm Đoan Trang đã trở thành một phóng viên có ảnh hưởng. Cô phụ trách một chuyên mục có nhiều độc giả trên Tuanvietnam, có quan hệ thân hữu với một số gương mặt nổi tiếng khi đó như Nguyễn Minh Thuyết và Nguyễn Trần Bạt, tham gia những tổ chức của giới trí thức cấp tiến như Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, và là một blogger được giới đối lập theo dõi. Nói cách khác, vào thời điểm đó, Trang có ảnh hưởng nhất định đến cả báo chí chính thống lẫn báo chí đối lập, dư luận của cả giới trí thức lẫn bình dân.
Cả Phạm Đoan Trang, Trịnh Hữu Long lẫn Mai Phan Lợi đều ý thức rõ quyền lực của báo chí, và tìm cách gia tăng, nắm giữ quyền lực này. Điều này thể hiện rõ qua việc Trang tập hợp các bài báo của mình thành cuốn sách “Và Quyền lực Thứ Tư” (ám chỉ quyền lực của báo chí); việc Trang và Long mở 2 tạp chí điện tử, cùng nhiều chương trình đào tạo báo chí có tham vọng trong giai đoạn sau 2012; và việc Mai Phan Lợi thành lập tổ chức MEC, kênh truyền hình online GTV, nhóm Diễn đàn Nhà báo & Chính sách…
Đoan Trang thành công trong nghề báo vì 4 lý do.
Lý do thứ nhất là trình độ tiếng Anh. Để có thể hát các ca khúc tiếng Anh của ban nhạc The Beatles, mà cô nghe lần đầu vào năm học lớp 2, Trang đã xin gia đình cho học ở trường THCS Hà Nội – Amsterdam, một trường hiếm hoi dạy tiếng Anh ở Hà Nội vào thời điểm đó. Sau khi Internet vào Việt Nam năm 1997; Trang nhanh chóng hấp thụ góc nhìn của phương Tây về kinh tế, chính trị, báo chí, lịch sử thông qua các tài liệu tiếng Anh; từ đó dần hình thành quan điểm chính trị của bản thân mình. Vào năm 2006, Trang thuộc số ít các phóng viên Việt Nam viết blog hoàn toàn bằng tiếng Anh, và dễ dàng phỏng vấn các khách mời ngoại quốc thuộc nhiều lĩnh vực. Sau năm 2012, Đoan Trang tiếp tục tận dụng triệt để ưu thế này: mạng lưới VOICE của cô là một trong những NGO hiếm hoi có đủ trình độ ngoại ngữ, pháp luật và mối quan hệ để giúp giới đối lập Việt Nam kết nối với chính giới phương Tây và các định chế quốc tế.
Lý do thứ hai là sức mạnh cộng đồng. Trong phần blog viết trước năm 2011, Trang thường kể rằng mình tham gia một nhóm “nhà báo không thẻ” có khoảng 131 người, sống ở cả hai miền Nam - Bắc. Sau giờ làm việc, nhóm này thường tụ tập tại các quán bia hoặc café để trao đổi chuyện nghề, chuyện đời. Qua các bài viết và comment cũ, có thể thấy nhóm này là cộng đồng độc giả thường xuyên đầu tiên của blog Đoan Trang, nhiều người chia sẻ quan điểm chính trị cấp tiến với Trang, và một số người từng giúp đỡ Trang trong cuộc sống.
Lý do thứ ba là sự hưng thịnh của khuynh hướng báo chí, trí thức công kích Chính phủ, đòi cải cách chính trị, đòi “thân Mỹ - thoát Trung”. Khuynh hướng này đã mạnh lên từ năm 2008, khi dư luận bắt đầu bức xúc về dự án khai thác quặng bauxite trên Tây Nguyên bằng công nghệ Trung Quốc.
Trong thực tế, sự nghiệp báo chí của Đoan Trang vừa phất lên từ năm 2008, vừa gắn chặt với những tập thể và cá nhân thuộc khuynh hướng này. Cụ thể: Vietnamnet được Đoan Trang xem là tờ báo thuộc khuynh hướng giám sát chính phủ; “Phát ngôn & Hành động Ấn tượng” là một chuyên mục giám sát quan chức; Nguyễn Minh Thuyết là Đại biểu Quốc hội lên tiếng mạnh mẽ về dự án khai thác bauxite trên Tây Nguyên; Nguyễn Trần Bạt là cây bút kêu gọi cải cách chính trị, và chủ một công ty tư vấn chuyên kết nối Việt Nam với môi trường kinh tế Âu – Mỹ. Trong khi Bùi Thanh Hiếu và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thuộc khuynh hướng chống chế độ ngay từ đầu; Trịnh Hữu Long, Mai Phan Lợi và Chu Hảo đều dần chuyển từ ủng hộ cải cách sang chống chế độ.
Như vậy, thăng trầm của Phạm Đoan Trang gắn chặt với thăng trầm của khuynh hướng chính trị mà cô lựa chọn. Nếu Trang không tham gia khuynh hướng báo chí phản biện, và không được báo giới nước ngoài biết đến nhờ bị bắt trong vụ in áo phản đối dự án khai thác bauxite, rất có thể cô vẫn là một phóng viên vô danh.
Thứ tư, cần thừa nhận rằng trước năm 2011, Đoan Trang là một phóng viên tương đối ôn hòa, có văn hóa, và có trách nhiệm so với mặt bằng chung ở Việt Nam. Trên blog cá nhân, cô thường xuyên thể hiện rằng mình là người có đời sống thưởng thức và thích nghệ thuật (bao gồm nhạc The Beatles, nhạc miền Nam trước 1975, và mỹ thuật hiện đại). Trong những bài khác, cô thể hiện mối quan tâm của mình với các nguyên tắc nghiệp vụ và đạo đức báo chí; khi chê trách những biểu hiện thiếu kiến thức, thiếu đạo đức, tham nhũng trong báo giới; và những biểu hiện cực đoan, thiếu khách quan, thiếu khoa học của người dùng Internet ở Việt Nam. Có thể tìm thấy những thông điệp này trong Chương 1 và Chương 3 của cuốn “Và Quyền lực Thứ Tư”, cũng như trong các bài đăng blog mang tên “No Idea”, “Thư ký của thời đại”, “Lề phải, lề trái”.
3. Từ phóng viên ôn hòa đến nhà hoạt động cực đoan
Đầu cuốn “Và Quyền lực Thứ Tư”, Phạm Đoan Trang liệt kê 5 nguyên tắc căn bản của nghề báo, bao gồm:
“(1) chính xác; (2) công bằng; (3) giám sát chính phủ; (4) phân biệt rạch ròi giữa đưa tin và bình luận, đưa tin và quảng cáo; (5) không đặt tối đa hóa lợi nhuận làm mục đích cao nhất”.
Từ khi bỏ nghề báo, để chuyển sang hoạt động chính trị chuyên nghiệp, Đoan Trang đã dần phản bội cả 5 nguyên tắc đó.
Cụ thể, về nguyên tắc số (1), là “chính xác”, Đoan Trang từng kêu gọi các cộng sự trong nhóm Nhật ký Yêu nước tẩy chay trang tin Dân Làm Báo vào năm 2012, do trang này thường xuyên đưa tin sai sự thật, cổ vũ thái độ cực đoan và hận thù. Dù vậy, khi soạn giáo trình “Căn bản về Truyền thông & Báo chí” cho các khóa học của VOICE sau này, cô lại ca ngợi Dân Làm Báo như một tờ báo mẫu mực về tính “khách quan” và “độc lập”. Năm 2016 và 2017, Trang mô tả các cuộc biểu tình phản đối tập đoàn Formosa như một phong trào bảo vệ môi trường thuần túy; trong khi cô phối hợp với đảng Việt Tân phát ô xanh cho người biểu tình, để biến phong trào thành một cuộc “Cách mạng Cá”, mô phỏng “Cách mạng Dù Vàng” ở Hong Kong. Năm 2019, Trang òn quảng bá cho một fanpage giả mạo Ban Tuyên giáo Đảng Cộng sản.
Nguyên tắc số (2), tức “công bằng”, đã bị Đoan Trang thường xuyên vi phạm từ năm 2017, khi cô tuyên bố mình là một người “chống Cộng”. Một mặt, cô coi các hoạt động truyền thông như một “cuộc chiến”, trong đó cô về phe những người “chống Cộng” để “chửi sấp mặt lợn” phe chính quyền, nhằm phân thắng thua thay vì phân đúng sai:
Mặt khác, cô lờ đi mọi sai phạm của những người cộng tác với mình – như vụ Nguyễn Hồ Nhật Thành biển thủ tiền thuê địa điểm cho khóa học “Hạt giống Thay đổi”; hay vụ linh mục Nguyễn Công Bình bắt giáo dân nộp 16 tỷ VNĐ, tức quá nửa số tiền đền bù ô nhiễm mà họ nhận được trong vụ Formosa, để ông xây nhà thờ mới.
Tháng 11/2017, khi phóng viên An Xinh Trương phản ánh rằng Đoan Trang đã đưa bài viết của cô vào sách “Chính trị Bình dân” mà không hỏi ý tác giả, cũng không trả tiền bản quyền; Trang huy động nhiều nhà hoạt động khác công kích, xúc phạm An Xinh Trương. Việc này khiến tác giả, vốn là đồng nghiệp cũ của Đoan Trang tại Vietnamnet, phản hồi như sau:
Nguyên tắc số (4), là “phân biệt rạch ròi giữa đưa tin và bình luận, đưa tin và quảng cáo”, không còn được tuân thủ trong hầu hết các bài viết của Đoan Trang. Chẳng hạn, khi viết cuốn “Chính trị Bình dân” (ra mắt năm 2017) – một tài liệu được coi là “sách giáo khoa” của phong trào dân chủ – cô đã trộn lẫn kiến thức, tin tức và các thông điệp tuyên truyền chính trị, thay vì phân định chúng một cách rạch ròi.
Nguyên tắc số (5), là “không đặt tối đa hóa lợi nhuận làm mục đích cao nhất”, bị Đoan Trang vi phạm khi phát động phong trào tẩy chay tập đoàn Tân Hiệp Phát vào năm 2015. Trang và các thành viên khác của phong trào này bị cáo buộc nhận tiền tài trợ của tập đoàn URC, trong khi URC là đối thủ cạnh tranh đang muốn mua lại Tân Hiệp Phát:
Những vụ việc vừa nêu sẽ được kể chi tiết hơn trong các kỳ sau của loạt bài viết.
Như vậy, trong 5 nguyên tắc căn bản của nghề báo, Phạm Đoan Trang chỉ còn giữ được nguyên tắc số (3), là “giám sát chính phủ”. Thay vì đưa tin như một phóng viên, Trang chỉ còn công kích chính quyền một cách đơn điệu, dựa vào thông tin từ các cộng sự hoặc báo chí chính thống. Đây là một bước lùi lớn, bởi trong Chương 3 của cuốn “Và Quyền lực Thứ Tư”, Trang cho rằng người làm báo phải thâm nhập vào cuộc sống để tìm kiếm sự thật, thay vì chỉ ngồi bình luận về sự thật. Ngày 03/03/2010, Trang cũng viết rằng chính vì muốn làm công việc đưa tin của một phóng viên, thay vì chỉ ngồi bình luận về các phát biểu của lãnh đạo, cô mới bỏ chuyên mục “Phát ngôn & Hành động Ấn tượng” của Tuanvietnam để chuyển sang làm cho báo Pháp luật TP.HCM.
Như vậy, dù nhận Giải Tự do Báo chí của RSF vào năm 2019, thực ra Đoan Trang đã bỏ nghề báo để chuyển sang làm chính trị. Tiếc thay, Trang là một nhà hoạt động chính trị cực đoan và thù hằn, khác hẳn với hình tượng ôn hòa, có học mà cô dày công thể hiện khi làm báo. Thật đáng ngạc nhiên, khi những dòng mà Trang từng viết trong bài “Thư ký của thời đại”, nhằm công kích báo chí thời bao cấp, lại ứng nghiệm lên cô lúc này:
“Bây giờ, đọc lại những bài báo ấy, tôi tin rằng nhiều người trong chúng ta sẽ bật cười, hoặc sẽ điên tiết, hoặc kinh sợ trước cái ấu trĩ của một thời. Nhưng, tôi không dám chắc số đông trong chúng ta sẽ có mảy may cảm thông với tác giả. Những gì họ đã viết ra đó, tiếc thay, sẽ chỉ được lưu lại, được nhớ đến (nếu có) như những ví dụ về cái sai, cái xấu, thậm chí cái ác của báo chí. Và đó là những “tấm gương” để chúng tôi nhìn vào mà tự nghĩ đến mình: Mai sau này nhìn lại, liệu có bài báo nào trong đời sẽ được độc giả nhớ đến? Được nhớ đến như những ví dụ tốt, hay sẽ bị đem ra làm “case study” cho sự dốt nát về nghiệp vụ, tồi tệ về đạo đức? Liệu có bài báo nào sẽ khiến chúng tôi không thể tha thứ cho chính mình không?”
Vì sao Đoan Trang đánh mất sự tỉnh táo và các nguyên tắc đạo đức của mình? Một phần lý do sẽ được hé lộ trong kỳ tới.
Một số bài viết liên quan (xếp theo trình tự thời gian):
* Về đời phóng viên của Phạm Đoan Trang:
_ “Let's Go Corrupt” – Phạm Đoan Trang, 28/02/2007
http://www.phamdoantrang.com/2007/02/let-go-corrupt.html
_ “It's Not Goodbye” – Phạm Đoan Trang, 03/03/2007
Trích: “…Tôi không chờ được nữa. Chờ gì ư? Chờ đến khi VTC phát triển. VTC chắc sẽ lớn thôi, nhưng giá bây giờ tôi còn là Trang của những năm 1999-2000 nhỉ? Tôi sẽ chẳng biết tiếc đời. Tôi đã giống như nhiều người trong số chúng ta: say mê làm truyền hình đến điên cả người. Tôi đã mang (một phần thôi) ngọn lửa của tuổi 12-13 và 19-20 vào những ngày tháng làm báo hình ở VNN. Cũng vẫn còn may là tôi đã không dốc tất cả lửa vào đó, nếu không tôi sẽ còn mất nhiều hơn những gì tôi đánh mất trong suốt 10 năm qua. Cho đến một ngày phần thực dụng trong con người tôi gào lên: “Trang, is it worth?”…”.
http://www.phamdoantrang.com/2007/03/it-not-goodbye.html
_ “Memories of Saigon” – Phạm Đoan Trang, 26/05/2007
Trích: “…Tôi cũng sẽ rất nhớ những lúc “sinh hoạt hội nhà báo” với mấy đồng chí trong chi bộ của bác Saigon Minsk. Bọn nhà báo chết tiệt có cái cố tật cứ ngồi cùng nhau là nói về công việc - tội nghiệp chúng!...”.
http://www.phamdoantrang.com/2007/05/memories-of-saigon.html
_ “Những chàng Z” – Phạm Đoan Trang, 20/07/2007
Trích: “…Hội nhà báo không thẻ, hay là nhà báo tự phong (self-proclaimed journalists) chúng tôi cũng hứng chí lập một nhóm, gọi là Chi Bộ. Các thành viên của Chi Bộ có thói quen gọi nhau bằng các loại mã số, kéo dài suốt từ Z1 cho đến Z131…”; “…Chú thuộc loại nhà báo thứ tư mà anh vừa nhận ra. Loại này mới hình thành từ khi báo chí Tây mon men vào thị trường truyền thông Việt Nam, tức là vào khoảng năm 2000. Loại này dính tí hơi Tây, có tố chất để trở thành nhân tài, nhưng cũng có máu làm loạn. Nếu không có sự hỗ trợ từ một hệ thống, loại này chỉ thành giặc, còn tố chất của chúng thì cứ mãi là tố chất, cũng như Việt Nam ta mãi chỉ có nội lực. Đó là LOẠI NHÀ BÁO ĐÉO AI BIẾT ĐẾN!...”.
http://www.phamdoantrang.com/2007/07/nhung-chang-z.html
_ “The Trọngs” – Phạm Đoan Trang, 09/09/2007
https://thuhoang.wordpress.com/2007/09/09/the-tr%e1%bb%8dngs/
_ “Họ nhà Trọng” – Phạm Đoan Trang, 13/09/2007
https://thuhoang.wordpress.com/2007/09/13/h%e1%bb%8d-nha-tr%e1%bb%8dng/
_ “No Idea” – Phạm Đoan Trang, 16/05/2008
http://www.phamdoantrang.com/2008/05/no-idea.html
_ “To Leave” – Phạm Đoan Trang, 04/02/2010
Trích: “…Đau lắm vì cái nhận định: “Xét về lĩnh vực thông tin, nguồn tin tốt nhất ở Việt Nam là từ giới lãnh đạo chính trị, tốt thứ nhì là từ giới quản lý, tốt thứ ba là từ những người làm nghề, tốt thứ tư mới là bọn nhà báo bẩn thỉu”. Đau lắm vì một số nhà báo cứ hăng hái lao lên phía trước với tinh thần nghĩa hiệp cao cả: Độc giả có quyền được biết sự thật, xã hội có quyền được biết công lý. Trong khi chính các nhà báo luôn luôn là nạn nhân, nhiều khi là nạn nhân đầu tiên, của sự bưng bít. Cứ mê mải kiếm tìm sự thật, rồi đến lúc chính mình trở thành nạn nhân của lừa đảo và dối trá, thì vẫn ngơ ngác không hiểu điều gì xảy ra…”.
http://www.phamdoantrang.com/2010/02/to-leave.html
_ “Right Side, Left Side” – Phạm Đoan Trang, 03/03/2010
Trích: “…Tôi nghĩ rằng, một nhà báo, một phóng viên thì nên đi viết hơn là chỉ ngồi tổng hợp các ý kiến rồi bình luận – việc đó không quá khó khăn. Bất cứ ai chịu khó theo dõi thông tin trên báo chí (đúng nghĩa là “chịu khó”, vì đọc báo nhiều khi cũng mệt mỏi lắm!) và thử phản biện, đều có thể chỉ ra những điều thú vị hơn những gì tôi viết nhiều. Với cá nhân tôi, lựa chọn, bình luận, nhận xét những phát ngôn (chủ yếu của quan chức) trên báo chí hàng tuần chỉ là một hệ quả nhỏ của việc đọc báo. Nói cách khác, nó giống một kiểu bàn luận lúc “trà dư tửu hậu”, mà không còn giống nghiệp vụ làm báo. Vì lẽ đó, tôi muốn ngừng làm các bài Phát ngôn & Hành động để tập trung vào những chủ đề khác, những công việc khác có tính báo chí hơn, cụ thể là cho công việc của một phóng viên ở tờ báo vừa nhận tôi - tờ Pháp luật TP HCM…”.
http://www.phamdoantrang.com/2010/03/right-side-left-side.html
_ “IMAGINE” – Phạm Đoan Trang, 18/06/2010
http://www.phamdoantrang.com/2010/06/imgagine.html
_ “Lời than vãn của một phóng viên” – Phạm Đoan Trang, 11/08/2010
http://www.phamdoantrang.com/2010/11/loi-than-van-cua-mot-phong-vien.html
_ “Thư ký của thời đại” – Phạm Đoan Trang, 28/01/2011
Trích: “…Bây giờ, đọc lại những bài báo ấy, tôi tin rằng nhiều người trong chúng ta sẽ bật cười, hoặc sẽ điên tiết, hoặc kinh sợ trước cái ấu trĩ của một thời. Nhưng, tôi không dám chắc số đông trong chúng ta sẽ có mảy may cảm thông với tác giả. Những gì họ đã viết ra đó, tiếc thay, sẽ chỉ được lưu lại, được nhớ đến (nếu có) như những ví dụ về cái sai, cái xấu, thậm chí cái ác của báo chí. Và đó là những “tấm gương” để chúng tôi nhìn vào mà tự nghĩ đến mình: Mai sau này nhìn lại, liệu có bài báo nào trong đời sẽ được độc giả nhớ đến? (Khả năng là ít lắm, độc giả vốn dễ quên mà). Được nhớ đến như những ví dụ tốt, hay sẽ bị đem ra làm “case study” cho sự dốt nát về nghiệp vụ, tồi tệ về đạo đức? Liệu có bài báo nào sẽ khiến chúng tôi không thể tha thứ cho chính mình không?...”.
http://www.phamdoantrang.com/2011/01/thu-ky-cua-thoi-ai.html
_ “Lề phải, lề trái” – Phạm Đoan Trang, 28/03/2011
Trích: “…Gọi là “trận chiến” không biết có quá không, vì không có xô xát, xung đột, đổ máu gì, mà nhiều khi chứng kiến những diễn biến chiến sự giữa hai Lề thì đến Thượng đế cũng phải cười. (…) Suy cho cùng, đó là một cuộc nội chiến, mà phàm là nội chiến thì dễ vô nghĩa: Tại sao lại tồn tại khái niệm “Lề Phải, Lề Trái” trong báo chí? Báo chí đúng nghĩa chỉ có một Lề thôi, đó là sự thật. Sao tự nhiên lại nảy nòi ra hai cái Lề này trong làng truyền thông Việt Nam?…”.
http://www.phamdoantrang.com/2011/03/le-phai-le-trai.html
* Về các nguyên tắc căn bản của nghề báo:
_ “VÀ QUYỀN LỰC THỨ TƯ” – Phạm Đoan Trang (NXB Giấy Vụn), 2010
https://anhbasam.wordpress.com/va-quyen-luc-thu-tu/
_ “Phần 1: QUYỀN LỰC THỨ TƯ”
Trích: “…Ở Việt Nam cũng có nhiều bằng chứng cho thấy Internet là môi trường nuôi dưỡng sự cực đoan: Thường xuyên dấy lên những cuộc tranh cãi (ngôn ngữ forum gọi là “ném đá”) khốc liệt trên không gian mạng, với vô số nhận xét chủ quan, gay gắt, quy chụp, những lời thóa mạ, mạt sát nhau tàn tệ…”; “…Internet cũng chưa bao giờ làm nên những cuộc cách mạng hay những vụ bạo động, lật đổ ở các nước trên thế giới. Chưa một chính thể nào bị sụp đổ vì thế giới ảo cả. (…) Tuy vậy, vẫn phổ biến quan điểm cho rằng Internet có sức mạnh tập hợp, lôi kéo người dùng vào những hoạt động chính trị có tổ chức, gây biến động xã hội. Quan điểm này đặc biệt phổ biến ở chính những “con nghiện Internet” Việt Nam. Mất quá nhiều thời gian trong một thế giới ảo, tiếp xúc với quá nhiều quan hệ ảo, làm nảy sinh vô số ảo tưởng. Có thể nói “các nhà cách mạng” trên mạng là những người mắc chứng không tưởng nặng nhất. Một biểu hiện của chứng “bệnh” này là “bệnh nhân” tưởng những người xung quanh mình trong cuộc sống thực, ai cũng như mình: ai cũng có cùng những mối quan tâm, hiểu biết, suy nghĩ như mình; dân trí đã cao hơn; xã hội Việt Nam đã “Tây hóa” hơn; thế giới đã “phẳng” hơn v.v…(…) Do hành động dựa trên những ý nghĩ “không tưởng” như thế, nên nhìn chung các blogger từ trước đến nay không làm điều gì ảnh hưởng lớn và trực tiếp tới xã hội. Đó là một thực tế…”.
https://anhbasam.wordpress.com/va-quyen-luc-thu-tu/phan-1-quyen-luc-thu-tu/
_ “Phần 3: HAI NHÁNH QUYỀN LỰC”
Trích: “…Tôi cũng chú ý tới điều mà Stetson Kennedy kể lại về 3K thời kỳ trước khi họ bị ông “giải thiêng”. ông nói rằng: “Gần như tất cả những gì được viết về chủ đề này đều là những bài bình luận, xã luận (editorial), chứ không phải các bài viết có tính phát hiện, vạch trần (exposés). Các cây viết đều chống lại Klan, tốt thôi, nhưng họ có rất ít thông tin bên trong về nó”. Và đây cũng là cái mà bạn đọc chắc hẳn đã thấy ở các bài viết của nhiều phóng viên, trong đó có tôi: Hầu như đều là những bài bình luận, chứ không phải các bài có tính phát hiện hay thậm chí vạch trần…”.
https://anhbasam.wordpress.com/va-quyen-luc-thu-tu/phan-3-hai-nhanh-quyen-luc/
* Một số bài viết của Đoan Trang về vấn đề quan hệ Việt – Trung:
_ “HỒ SƠ VỀ BÁ QUYỀN” – Nhịp cầu Thế giới, 16/05/2009
Trích: “…Nhân một số động thái đáng lo ngại diễn ra thời gian gần đây trong khu vực, NCTG xin trân trọng giới thiệu tới độc giả Hồ sơ về đề tài Bá quyền của tác giả Đoan Trang, mổ xẻ và phân tích nhiều khía cạnh của bá quyền, ngõ hầu đưa tới người đọc những thông tin xác tín và đáng suy ngẫm trong vấn đề này: (…) Bạn đọc cũng có thể tham khảo hai bài viết cùng đề tài của tác giả, tại chuyên trang "Tuần Việt Nam" của mạng tin "VietNamNet":…”.
http://nhipcauthegioi.hu/print/Viet-Nam-The-gioi/HO-SO-VE-BA-QUYEN-1892.html
*Những mô tả về sự nghiệp phóng viên của Phạm Đoan Trang trên các blog ủng hộ Nhà nước:
_ “Con đường độc chiếm Diễn đàn Nhà báo trẻ của nhà báo Mai Phan Lợi” – *, 10/06/2016
_ “Vì sao Đoan Trang và đám zân chủ cuội phải cố bao biện cho Mai Phan Lợi” – *, 25/06/2016
https://www.loaphuong.org/2016/06/vi-sao-oan-trang-va-am-zan-chu-cuoi.html
_ “Thành tựu đấu tranh dân chủ của ký giả Đoan Trang (1): Làm báo” – Hoàng Thị Nhật Lệ, 27/03/2019
Trích: “…Một ngày ở VOICE, người ta thấy bà quảng bá cho cuốn sách cẩm nang làm truyền thông “ CĂN BẢN về TRUYỀN THÔNG & BÁO CHÍ”, được xem như “giáo trình” dạy về kỹ năng truyền thông mà bà Trang đang huấn luyện các nhà dân chủ trong nước khi muốn dấn thân vào sự nghiệp “nhà báo tự do” trên mạng xã hội. Trong cuốn sách này, điều lạ lùng là bà chê bôi hầu hết các tờ báo trong nước, cho nó là “quân xanh, quân đỏ” của Ban tuyên giáo, xong lại ngợi khen trang lá cải Dân Làm báo như là mẫu mực, điển hình của “báo chí tự do”, “không bị lệ thuộc”, “đưa tin khách quan”… Trong khi, chính trong nhóm kín admin của Nhật ký yêu nước, đám đệ tử thân cận của Đoan Trang lại tẩy chay tờ lá cải, xem Dân làm báo là loại trang tin không nên tin tưởng và việc đưa bài của trang này lên Nhật ký yêu nước làm mất uy tín của fanpage! Dễ hiểu, cuốn sách “cẩm nang truyền thông” của bà Trang viết theo đơn đặt hàng của Dân Làm báo, VOICE và một số tổ chức nước ngoài khác đã được đề cập ngay trên bìa sách, tuy nhiên, là người có chuyên môn làm báo, bà Trang có dám sử dụng giáo trình này khi huấn luyện cho các đàn em trong nước để bị họ đập thẳng vào mặt không hay chỉ viết ra nó cốt đẹp lòng nhà tài trợ? Có thể thấy qua ví dụ điển hình này, cựu ký giả Đoan Trang đã tự đánh mất sự độc lập, khách quan trong cây bút và các đứa con tinh thần của mình…”.
http://hoangthinhatle.com/bai-noi-bat/thanh-tuu-dau-tranh-dan-chu-cua-ky-gia-doan-trang-1-lam-bao/
Nguồn: Tre làng
PHẢN HỒI