Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (ĐLDT và CNXH) là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của cách mạng Việt Nam mà Đảng và nhân dân ta kiên trì, kiên địn...
Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (ĐLDT và CNXH) là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của cách mạng Việt Nam mà Đảng và nhân dân ta kiên trì, kiên định phấn đấu thực hiện suốt từ năm 1930 đến nay; là ngọn cờ bách chiến, bách thắng, nguồn gốc tạo nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
ĐLDT và CNXH là hai mục tiêu khác nhau, nhưng gắn bó chặt chẽ với nhau. ĐLDT là điều kiện tiên quyết để thực hiện CNXH và CNXH là cơ sở vững chắc cho độc lập dân tộc. Mục tiêu ĐLDT, dân tộc ta đã hoàn thành vào năm 1975 – cơ sở, tiền đề đưa cả nước đi lên xây dựng XHCN và công cuộc xây dựng CNXH từ 1975 đến nay chính là sự khẳng định và bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc – mục tiêu, lý tưởng không chỉ được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”[1] mà còn được Đảng ta bổ sung, phát triển qua các kỳ đại hội, vạch ra “Con đường đi lên CHXH ở nước ta ngày càng sáng tỏ hơn”. Sự sáng tỏ ấy được minh chứng bằng những thành tựu to lớn hơn 30 năm Đảng và nhân dân ta tiến hành công cuộc đổi mới, từng bước quá độ lên CNXH “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, học hành…”. Vậy mà, con đường ấy đã và đang bị các thế lực thù địch “bẻ lái”, nói xấu, xuyên tạc sự thật, nhằm bôi nhọ, phủ nhận vai trò lãnh đạo, hoạch định đường lối, chỉ đạo xây dựng CNXH của Đảng và Nhà nước.
Chúng cho rằng, quan điểm, đường lối, chủ trương xây dựng CNHX ở nước ta chỉ trong sách vở, thay đổi một số câu từ trong văn kiện, không có gì mới? Thật đau lòng, những từ ngữ ấy lại được “thốt ra” từ những đảng viên “gạo cội”, mẫu mực một thời – tác giả của tác phẩm “Đất nước đứng lên” – nhà văn Nguyên Ngọc – người một thời chúng tôi ngưỡng mộ! Bởi, tác phẩm “Đất nước đứng lên” của ông không chỉ khắc họa thành công anh hùng Núp – cổ vũ tinh thần cho lớn lớp người Việt Nam đứng lên chiến đấu hy sinh giành độc lập cho dân tộc mà còn truyền tải thông điệp đến thế hệ trẻ hôm nay về tình yêu nước, đoàn kết, sẵn sàng đứng lên khi đất nước có ngoại xâm. Vậy mà, ông lại ngang nhiên phát ngôn “tôi nhận thấy Đảng ngày càng xa rời lý tưởng ban đầu của mình, “tự diễn biến” thành một tổ chức chuyên quyền, phản dân hại nước. Tôi không thể còn đứng trong một tổ chức như vậy”. Đảng “đã chọn sai đường”. Hay, Chu Hảo – một nhà khoa học, cựu chính khách, từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam từ 1996 đến 2005 đã Vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, có những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;… “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… Sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của ông Chu Hảo còn thể hiện ở việc tham gia vào các thư kiến nghị, thư góp ý, thư ngỏ; có những bài viết, bài nói thể hiện các quan điểm chống lại các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lê nin, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, phi chính trị hóa lực lượng vũ trang và xóa bỏ sở hữu toàn dân về tư liệu sản xuất…
BBC cho loan tải bài viết xuyên tạc, vô căn cứ (Ảnh Hải Anh)
Phát ngôn của các ông không chỉ làm ảnh hưởng đến vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng, mà còn tạo điều kiện, cơ hội cho các thế lực chống phá cách mạng nước ta trước thềm Đại hội XIII. Thời điểm này là cơ hội mà các thế lực thù địch tập trung mở các chiến dịch chống phá Đảng và Nhà nước ta quyết liệt… Trong các quan điểm sai trái trên, quan điểm cố tình phủ định mục tiêu lý tưởng, con đường Đảng, Bác Hồ và Nhân dân đã lựa chọn; phủ định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và cho rằng: Đảng ta chỉ thay đổi câu từ trong văn kiện, chứ không có điểm mới gì qua các kỳ Đại hội, hay Kinh tế thị trường chỉ có ở các nước tư bản, hay “Kinh tế thị trường sẽ từng bước làm thay đổi bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa còn non trẻ và ốm yếu ở Việt Nam. Nếu Mỹ chờ đợi thêm ít lâu nữa thì sẽ tới một ngày Chính phủ Việt Nam chỉ còn là cộng sản trên danh nghĩa”… Từ đó đề cao một cách giả tạo chuyển đổi thể chế chính trị nhằm tính ngụy biện, dễ làm cho một số người ngộ nhận, tin theo.
Song, soi lại lịch sử dân tộc đầu thế kỷ XX – khi Việt Nam dần bị lu mờ trên bản đồ thế giới, cũng là lúc người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành nhận trọng trách lịch sử ra đi “Tìm hình của nước”. Quá trình bôn ba khắp bốn biển 5 châu, Người đã tìm thấy con đường cứu nước theo con đường cách mạng vô sản và: Đặt cách mạng giải phóng dân tộc vào quỹ đạo cách mạng vô sản. Song, từ thực tiễn một nước thuộc địa, nửa phong kiến, giải phóng dân tộc là bước đi đầu tiên tất yếu, nhưng muốn giải phóng dân tộc thành công để đưa đất nước đi lên CNXH, không có con đường nào khác là phải tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Nhận thức rõ thực tiễn lịch sử, sau quá trình chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời một chính đảng của giai cấp công nhân, ngày 03/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời – giương cao ngọn cờ ĐLDT và CNXH, quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới ngọn cờ của Đảng để rồi trải qua 3 cuộc tổng diễn tập, một Đảng vừa tròn 15 tuổi đã cùng nhân dân Việt Nam làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 – “long trời lở đất”, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – Cơ sở tiền đề để 9 năm sau, cả dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng lập nên chiến công chói lọi thời đại Hồ Chí Minh – chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đưa miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng CNXH.
Hòa bình lập lại ở miền Bắc, nhưng miền Nam máu vẫn chảy! Với dã tâm biến miền Nam nước ta thành căn cứ quân sự, thuộc địa kiểu mới, ngăn chặn sự thống nhất hai miền Nam – Bắc, Mỹ đã đưa quân vào xâm lược miền Nam và gây chiến tranh phá hoại miền Bắc. Tiếp tục giương cao ngọn cờ ĐLDT và CNXH, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, hạnh phúc của nhân dân, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lại cầm súng đứng lên quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành mục tiêu ĐLDT, đưa cả nước đi lên xây dựng CNXH.
Cả nước bước vào xây dựng CNXH, tiếp tục giương cao ngọn cờ ĐLDT và CNXH bằng việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng: Xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Mục tiêu này được Đại hội lần IV của Đảng năm 1976 chỉ rõ: Cách mạng Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới – “giai đoạn cả nước độc lập, thống nhất làm nhiệm vụ chiến lược duy nhất là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH”. Đại hội lần thứ V của Đảng năm 1982 nêu lên hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta trong giai đoạn mới là: Xây dựng thành công CNXH; sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đại hội lần VI năm 1986 của Đảng với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để, mở ra thời kỳ mới của sự nghiệp cách mạng nước ta trên con đường đi lên CNXH. Đại hội lần thứ VII năm 1991 của Đảng ta khẳng định: Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước và thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Cương lĩnh đã nêu lên 6 đặc trưng cơ bản của CNXH mà nhân dân ta đang xây dựng; tổng kết lịch sử lãnh đạo của Đảng thành các bài học kinh nghiệm, trong đó, đưa lên hàng đầu bài học: Giữ vững mục tiêu ĐLDT và CNXH trong quá trình đổi mới. Sự khẳng định này là cần thiết, nhất là tình hình thế giới, trong nước có diễn biến hết sức phức tạp, khi Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ; trong nước nhiều nguy cơ, thách thức; các thế lực thù địch tìm mọi cách xuyên tạc, chống phá nhằm xóa bỏ mục tiêu và con đường đi lên CNXH ở nước ta.
Đại hội lần thứ IX năm 2001 của Đảng đã bổ sung, làm sáng tỏ thêm con đường đi lên CNXH ở Việt Nam:“Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”[2]. Đại hội XI năm 2011 của Đảng đã tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, bổ sung phát triển thành Cương lĩnh năm 2011, đã rút ra 5 bài học cơ bản và tiếp tục nhấn mạnh bài học hàng đầu là: Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH. Cương lĩnh đã nêu lên những nội dung cơ bản của con đường quá độ lên CNXH ở nước ta; đồng thời bổ sung, phát triển những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng với 8 đặc trưng cơ bản: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”[3]. Những đặc trưng trên là thành quả của đổi mới nhận thức về CNXH phù hợp với thực tiễn Việt Nam, là kết hợp hài hòa giữa “cái phổ biến” và “cái đặc thù”, mang sắc thái riêng của mô hình CNXH Việt Nam và được từng bước hiện thực hóa trong cuộc sống.
Nhìn nhận, đánh giá toàn diện tình hình thế giới, khu vực, trong nước, thành tựu và hạn chế 30 năm đổi mới và 5 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) Đại hội XII chỉ ra: Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN. “Những thành tựu đó tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới; khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên CNXH của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử”[4]. Đồng thời, chỉ ra nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục, trong đó chỉ rõ “Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ “diễn biến hòa bình” của thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn biễn phức tạp; khoảng cách giàu – nghèo, phân hóa xã hội ngày càng tăng, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp đáng lo ngại, làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Từ tổng kết thực tiễn, bổ sung lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH, Dự thảo Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung, phát triển ở một số điểm cơ bản: Bổ sung xây dựng hệ thống chính trị vào nội dung, thành tố xây dựng Đảng. Đưa khát vọng phát triển đất nước và xác định mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN. Đồng thời, Dự thảo cũng xác định mục tiêu – một trong những điểm mới nổi bật, phấn đấu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đó là lộ trình, cũng là mục tiêu, phương hướng để toàn quân và toàn dân ta chung sức đồng lòng xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như sinh thời Bác Hồ hằng mong. Thành tựu đạt được và tương lai xán lạn của Việt Nam chính là động lực, bệ phóng vững chắc để chúng ta chống lại “nọc độc” của các thế lực thù địch chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Với thành tựu đạt được 35 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, xây dựng CNXH, nhân dân ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, ngày càng khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Điều đó, khẳng định: Chỉ có CNXH mới đem lại cho con người cuộc sống ấm no, tự do hạnh phúc. Thực tiễn chứng minh, khi đại dịch Covid – 2019 xảy ra, Việt Nam là nước đi tiên phong trong quá trình phòng chống dịch, đặt vị trí, vai trò của nhân dân, sức khỏe và tính mạng của người dân lên trên hết. Vì vậy, trong khi, số lượng người chết do nhiễm vi rút Corona trên thế giới gia tăng thì Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh. Không chỉ vậy, Đảng và Nhà nước ta còn đón đồng bào từ tâm dịch trở về, nhiều đơn vị bộ đội đã nhường nơi ăn, chốn ở của mình trong các khu cách ly cho người dân và hiện nay, Việt Nam đang thử nghiệm vắcxin Covid 19 trên người… Chỉ có CNXH mới thực hiện được điều đó – chế độ người với người sống để yêu nhau! Hình ảnh đó cũng là minh chứng xác thực nhất để Việt Nam chống lại những quan điểm sai trái đang tìm mọi cách chống phá mục tiêu, quan điểm, con đường đi lên xây dựng CNXH ở nước ta. Qua đó, khẳng định, đường lối đúng đắn cùng với khát vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm chính trị cao, đất nước ta nhất định sẽ lập nên kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta.
Phạm Nhung
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 563
[2] Văn kiện Đại hội IX của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb CTQG, H.2001, tr.83
[3] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H.2016, tr.14.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, tr.66.
Nguồn: Đấu trường Dân chủ
http://hoicodo.com/716789/chu-hao-nguyen-ngoc-phat-ngon-ham-ho-ve-con-duong-cnxh-va-van-kien-cua-dang/
PHẢN HỒI