Trong các diễn đàn góp ý sửa đổi Luật Đất đai nhiều năm nay, xuất hiện một số ý kiến cho rằng nên thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai hoặc t...
Trong các diễn đàn góp ý sửa đổi Luật Đất đai nhiều năm nay, xuất hiện một số ý kiến cho rằng nên thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai hoặc thừa nhận chế độ đa sở hữu giống như nhiều nước khác. Một số người phê phán chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Họ cho rằng sở hữu toàn dân là “mù mờ vì về mặt pháp lý”, không xác định được ai là chủ sở hữu trong các quan hệ đất đai, nhất là khi xảy ra tranh chấp. Một số khác cho rằng, với các quyền của người sử dụng đất như Luật Đất đai năm 2013 quy định, quyền sử dụng đất chẳng khác gì quyền sở hữu tư nhân đất đai, tại sao không công nhận đó là sở hữu tư nhân về đất đai (?!)
Những quan điểm, ý kiến nêu trên là hoàn toàn sai lầm xuất phát từ các vấn đề sau:
Thứ nhất, tư hữu về đất đai, về lý thuyết có thể khuyến khích tư nhân bảo vệ quyền tài sản đối với đất đai và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thị trường đất đai điều tiết các diện tích đất tới các chủ thể và ngành, nghề sử dụng đất theo tiêu chí ưu tiên hiệu quả sử dụng đất cao nhất. Tuy nhiên, sở hữu tư nhân về đất đai có nhiều điều kiện bất lợi cho Việt Nam ngay cả khi chưa xét đến yêu cầu định hướng xã hội chủ nghĩa.
Điều bất lợi thứ nhất là sở hữu tư nhân về đất đai trong điều kiện kinh tế thị trường sẽ dẫn đến tình trạng phân hóa giàu nghèo khiến người sở hữu quá nhiều đất, người không có tấc đất cắm dùi, nhất là tình trạng đầu cơ đất nông nghiệp của người giàu nhằm bảo vệ tài sản của họ dưới hình thức là sở hữu đất. Đặc biệt, những người giàu sở hữu nhiều đất và không trực tiếp canh tác, vì họ có cơ hội làm giàu tốt hơn ở chỗ khác, sẽ quản lý đất đai bằng chế độ phát canh thu tô, phục hồi quan hệ sản xuất phong kiến. Trong điều kiện một lực lượng lao động lớn còn sống bằng nghề nông thì việc tập trung đất vào một số người sẽ khiến số đông người còn lại, hoặc là phải làm thuê, cuốc mướn, hoặc là trở thành người vô gia cư, nghèo đói trong các khu ổ chuột ở thành thị. Chế độ sở hữu gì cũng phải hướng vào mục đích tạo nguồn mưu sinh cho người dân và ổn định xã hội. Không thể hy sinh lợi ích của số đông người chỉ để có một chế độ sở hữu như các nước khác. Một số người không đồng ý với lập luận này và dẫn chứng thực tế phát triển nông nghiệp ở Anh, Pháp, Mỹ không dẫn đến phân hóa giàu nghèo ở nông thôn. Họ không nhớ rằng các nước này đã hoàn thành quá trình công nghiệp hóa, thời kỳ đẩy người dân ra khỏi nông nghiệp để tích tụ đất vào tay một số ít hộ làm nông nghiệp như hiện nay đã trở thành quá khứ xa xưa. Hơn nữa, các nhà nước tư bản Anh, Pháp, Mỹ hiện vẫn phải hỗ trợ thu nhập cho nông dân để hộ nông dân có thu nhập ngang mức trung bình của xã hội nhằm khuyến khích họ trực canh đất nông nghiệp vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa không quay trở lại quan hệ sản xuất phong kiến. Việt Nam chưa hoàn thành quá trình công nghiệp hóa, số dân sống bằng nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong dân số và Việt Nam hiện không đủ nguồn lực để hỗ trợ nông dân có thu nhập ngang mức trung bình của xã hội. Vậy nên, thừa nhận sở hữu tư nhân sẽ hứa hẹn một xu hướng khó khăn cho phát triển nông nghiệp, chưa kể sẽ làm cho phân hóa giàu nghèo ở nông thôn diễn ra mạnh mẽ hơn. Trong khi tuyên bố chế độ sở hữu toàn dân về đất đai với việc xã hội cam kết bằng pháp luật việc trao cho người sử dụng đất quyền sử dụng và hưởng lợi từ tài sản quyền sử dụng đất không khác quyền sử dụng của chủ sở hữu là bao. Hơn nữa, hạn chế về thời hạn giao đất, quy mô giao đất và không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng không phải hạn chế quá lớn đối với người sử dụng đất so với chủ sở hữu tư nhân. Đồng thời, chế độ sở hữu toàn dân dành quyền chi phối của xã hội thông qua Nhà nước đối với các quyền bảo đảm lợi ích chung, như quy hoạch sử dụng đất, có thể kéo dài thời gian giao đất và tiếp tục giao đất khi hết thời hạn giao đất nếu người sử dụng đất không vi phạm pháp luật và mục đích sử dụng đất không thay đổi theo quy hoạch. Với bản chất xã hội chủ nghĩa, Nhà nước Việt Nam có thể sử dụng quyền chủ động của mình để bảo vệ tốt hơn lợi ích của người trực tiếp sử dụng đất.
Chế độ sở hữu gì cũng phải hướng vào mục đích tạo nguồn mưu sinh cho người dân và ổn định xã hội. Không thể hy sinh lợi ích của số đông người chỉ để có một chế độ sở hữu như các nước khác (Trong ảnh: Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn ở đồng bằng sông Cửu Long) _Ảnh: Tư liệu
Điều bất lợi thứ hai là xáo trộn quan hệ sở hữu, sử dụng đất đai hiện tại mà không đem lại lợi ích cho người sử dụng đất cũng như quốc gia. Lịch sử quan hệ đất đai ở Việt Nam khá phức tạp. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đa phần diện tích đất nông nghiệp thuộc sở hữu của địa chủ, tư bản. Sau cải cách ruộng đất, đa phần đất nông nghiệp được chia cho nông dân. Phong trào hợp tác hóa đã đưa hầu hết diện tích đất nông nghiệp thành sở hữu chung của xã viên hợp tác xã. Quá trình giao đất theo Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5-4-1988, của Bộ Chính trị khóa VI, “Về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp”, đưa trở lại quyền sử dụng đất cho hộ nông dân theo chế độ bình quân. Bây giờ, nếu thừa nhận sở hữu tư nhân về ruộng đất sẽ phục hồi lại các vụ kiện tụng về quyền sở hữu của họ do chính Nhà nước thừa nhận trước khi vào hợp tác xã. Những rắc rối pháp lý này sẽ khiến quan hệ đất đai trở nên rối loạn, nguồn lực đất đai, nguồn lực quan trọng nhất của Việt Nam lúc này, sẽ có thể không được phát huy phục vụ phát triển kinh tế. Hơn nữa, sở hữu tư nhân về đất đai sẽ dẫn đến tình trạng mâu thuẫn lợi ích giữa những người được giao đất và đương nhiên trở thành chủ sở hữu đất với những người không được giao đất và chẳng được gì, nhất là các khu đất vàng. Chỉ với việc Nhà nước thu hồi đất và đền bù cho người dân với giá rẻ, giao đất cho chủ đầu tư khu đô thị với giá rẻ, sau đó chủ đầu tư bán lại cho người tiêu dùng với giá cao đã gây không ít cuộc kiện tụng, khiếu kiện thời gian qua. Nếu bây giờ làm lại cuộc cải cách ruộng đất lần nữa, xã hội sẽ dẫn tới mâu thuẫn lợi ích, đẩy mọi người vào tình trạng đối lập nhau. Đất đai, vốn dĩ là tài sản của quốc gia – dân tộc, là công lao khai phá, bảo vệ, cải tạo, xây đắp của bao thế hệ người dân Việt Nam, giữ ở lớp thứ nhất của chế độ sở hữu toàn dân tộc có hại gì đâu. Bất kỳ một chế độ sở hữu đất đai ở bất kỳ nước nào cũng phải kế thừa và giải quyết các kết quả của quá trình phát triển lịch sử của nước đó. Không thể áp đặt chế độ sở hữu chung chung về mặt lý thuyết cho một nước cụ thể. Càng không thể áp dụng máy móc kinh nghiệm của các nước khác biệt về chế độ chính trị và trình độ phát triển vào Việt Nam. Ngoài ra, thị trường đất đai vốn không hoàn hảo. Quy hoạch đất đai không những bảo đảm an ninh lương thực quốc gia mà còn là công cụ bố trí hợp lý không gian và đạt hiệu quả tổng thể sử dụng đất cao nhất cả trong ngắn và dài hạn. Sở hữu toàn dân là điều kiện thuận lợi cho thực thi và tuân thủ quy hoạch đất đai.
Việc bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi tư liệu sản xuất quan trọng nhất phải được duy trì là tài sản chung của mọi người, giao cho đại diện lợi ích chung là Nhà nước Việt Nam đảm nhiệm vai trò đại diện chủ sở hữu trong các quan hệ pháp lý và quản lý thống nhất. Hơn nữa, đất đai không phải đối tượng sở hữu tư nhân một cách tuyệt đối. Bản thân đất đai là môi trường sống chung, là “vật” không thể ngăn cấm hoàn toàn người không phải chủ sở hữu tiếp cận đất, nên ngay ở các nước thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai, Luật Đất đai vẫn quy định chủ đất phải cho phép người khác có quyền thông hành địa dịch, phải tôn trọng quyền của các chủ đất liền kề trong sử dụng đất đai, phải đóng thuế sử dụng đất, người chủ đất có quyền hạn chế về độ cao, độ sâu của thửa đất…
Thứ hai, quan điểm ủng hộ chế độ đa sở hữu về đất đai ở Việt Nam. Thực chất đây là quan điểm ủng hộ sở hữu tư nhân về đất đai. Vì đa sở hữu có nghĩa là sở hữu tư nhân, sở hữu của tập thể (pháp nhân, các tổ chức chính trị, xã hội, ngành, nghề), sở hữu của cơ quan nhà nước (các cơ quan khác nhau trong bộ máy chính quyền các cấp). Trong các nước duy trì chế độ sở hữu tư nhân về đất đai, đa phần diện tích đất ở và đất kinh doanh thuộc sở hữu tư nhân. Các tổ chức chính trị, xã hội, ngành, nghề có thể mua đất làm trụ sở hoặc kinh doanh tùy ý. Những diện tích đất do tổ chức nhà nước sử dụng và đất công (dùng chung như đường sá, công viên, rừng, hồ nước…) thuộc sở hữu của cơ quan nhà nước hoặc sở hữu quốc gia. Như vậy, đa phần diện tích đất kinh doanh, nhất là đất nông nghiệp thuộc sở hữu tư nhân. Vậy nên, việc phê phán quan điểm này chẳng khác gì phê phán quan điểm ủng hộ sở hữu tư nhân về đất đai.
Thứ ba, quan điểm phê phán sở hữu toàn dân về đất đai, cho rằng sở hữu toàn dân về đất đai không tìm được chủ sở hữu, rằng chế độ sở hữu toàn dân về đất đai của Việt Nam hiện nay thực chất là chế độ sở hữu tư nhân không hợp pháp. Cái sai của quan điểm này là tính phi thực tiễn trong phê phán, thể hiện ở những luận cứ sau đây:
Một là, về luận điểm sở hữu toàn dân không tìm thấy chủ thể trong các quan hệ pháp lý về đất đai. Có một điều cần nhớ rằng, chế độ sở hữu thực tế, ở nước nào cũng vậy, là do hệ thống pháp luật quy định, trong đó Bộ luật Dân sự và Luật Đất đai có vai trò quan trọng xác định chế độ sở hữu đất đai. Luật Đất đai năm 2013 đã xác định rõ các căn cứ để phân định quyền hạn, lợi ích và trách nhiệm của người sử dụng đất (người được giao đất và người thuê đất), người đại diện chủ sở hữu toàn dân và người quản lý đất (cơ quan nhà nước các cấp). Cụ thể là:
– Người sử dụng đất, bao gồm tổ chức trong nước; hộ gia đình, cá nhân trong nước; cộng đồng dân cư; cơ sở tôn giáo; tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; người Việt Nam định cư ở nước ngoài; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Luật cũng quy định rõ cá nhân nào là đại diện pháp lý trong các giao dịch đất đai của các chủ thể sử dụng đất nêu trên ở Điều 7 và Điều 8.
– Cơ quan nhà nước, cụ thể là Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương đã được Luật Đất đai năm 2013 phân định rõ ràng các quyền hạn và trách nhiệm với tư cách đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai (từ Điều 13 đến Điều 21 Luật Đất đai năm 2013).
Vậy ý kiến không rõ chủ thể trong giao dịch đất đai là phi thực tế. Hơn nữa, trong xã hội hiện đại, các quyền của chủ sở hữu có thể phân chia cho nhiều thể nhân và pháp nhân khác nhau theo các quan hệ pháp lý khác nhau, như cho thuê, ủy quyền quản lý, cho mượn,… Hầu hết các quan hệ tài sản này thuộc sự chế định của nhiều luật khác nhau có thể áp dụng vào quan hệ sở hữu đất đai. Do đó, khi có các xung đột và tranh chấp xảy ra, rõ ràng là có cơ sở pháp lý để giải quyết. Việc giải quyết trong thực tế không thấu tình, đạt lý hoặc thiên vị là vấn đề của hệ thống thực thi pháp luật, không thuộc chế độ sở hữu đất đai.
Hai là, quan điểm cho rằng với các quyền do Luật Đất đai năm 1993 và Luật Đất đai năm 2013 quy định, người sử dụng đất ở Việt Nam đã là người sở hữu tư nhân về đất đai. Sai lầm của quan điểm này là ở chỗ quy các quyền sở hữu đất đai về các quyền của người sử dụng đất.
Theo Luật Đất đai năm 2013, người sử dụng đất, có một số quyền được xã hội, thông qua Luật Đất đai (từ Điều 166 đến Điều 194) giao cho như sau:
– Được Nhà nước bảo hộ quyền tài sản đối với quyền sử dụng đất dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
– Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất.
– Có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất.
– Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi.
Tuy nhiên, các quyền này chỉ được thực hiện trong các giới hạn:
– Sử dụng đất theo đúng mục đích sử dụng đất đã được Nhà nước quy định khi giao hoặc cho thuê đất và theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Nhà nước. Người sử dụng đất không được tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
– Giao và cho thuê đất có kỳ hạn, trừ đất ở.
– Nhà nước có quyền thu hồi quyền sử dụng đất đã giao có bồi thường cho người bị thu hồi quyền sử dụng đất
– Nhà nước thu tiền sử dụng đất khi giao lần đầu và thu thuế sử dụng đất.
Như vậy, không tính đến nội dung quản lý đất với tư cách tài nguyên quốc gia, môi trường sống chung, rõ ràng trong Luật Đất đai năm 2013 có sự phân chia quyền của chủ sở hữu giữa người sử dụng đất và các tổ chức nhà nước, theo đó Nhà nước có một số quyền căn bản của chủ sở hữu, như giao, cho thuê, thu hồi quyền sử dụng đất, thu địa tô tuyệt đối (thuế sử dụng đất) và địa tô chênh lệch (thu tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất và thuế giá trị gia tăng từ đất không do người sử dụng đất tạo ra). Những quyền này phản ánh lợi ích của chủ sở hữu toàn dân, chủ sở hữu chung là xã hội, là quốc gia, không thể giao cho tư nhân. Đây là điểm khác biệt thứ nhất của chế độ sở hữu toàn dân so với chế độ sở hữu tư nhân.
Người sử dụng đất, mặc dù có nhiều quyền của chủ sở hữu trong lĩnh vực sử dụng đất như hưởng lợi ích từ sử dụng đất (kể cả địa tô chênh lệch do đầu tư vào đất) nhưng không có quyền đầy đủ của chủ sở hữu như chỉ được nhận đất do Nhà nước giao hoặc cho thuê, có nghĩa là không phải người chủ duy nhất của thửa đất. Điều này còn thể hiện rõ hơn trong trường hợp khi xã hội cần thửa đất đó cho mục đích khác hoặc giao cho người khác, người sử dụng đất buộc phải giao lại cho Nhà nước mà không được quyền từ chối; người sử dụng đất (trừ đất ở) chỉ có quyền sử dụng trong thời hạn được Nhà nước giao. Quyền giao tiếp hay không thuộc về xã hội do cơ quan nhà nước đại diện quyết định; người sử dụng đất phải sử dụng đất đúng mục đích Nhà nước giao. Đây là điểm khác biệt thứ hai của chế độ sở hữu toàn dân so với chế độ sở hữu tư nhân.
Những người phê phán chế độ sở hữu toàn dân nhấn vào điểm là sở hữu toàn dân về đất đai dẫn đến vô chủ và vì vô chủ nên đất được sử dụng không hiệu quả. Họ cũng lý giải rằng, pháp luật đất đai, vì dựa trên lập trường sở hữu toàn dân nên không chính danh, không xác lập được quan hệ dân sự trong các giao dịch về đất đai nên dẫn đến các giao dịch đất đai của nước ta không giống với thông lệ quốc tế, gây tranh chấp khi có yếu tố nước ngoài. Ở đây chưa bàn về việc có cho người nước ngoài tự do sở hữu đất đai hay không, nhất là đất sản xuất, nhưng người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Hơn nữa, các nước trên thế giới đâu có một luật đất đai giống nhau. Những người này cũng lý sự rằng, Nhà nước ta không đủ năng lực quản lý đất đai. Chính chỗ này cần bàn và cần nỗ lực xây dựng một Nhà nước có khả năng quản lý đất đai tốt hơn thì họ lại không muốn bàn, vì họ cho rằng, yếu kém của Nhà nước trong quản lý đất đai với tư cách đại diện cho sở hữu toàn dân là đương nhiên. Thực tế không phải vậy. Nếu Nhà nước không thể thay mặt xã hội quản lý tài sản chung thì đừng nói đến quốc gia xã hội chủ nghĩa, mà quốc gia ổn định cũng không có. Tuy nhiên, để cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức làm tốt nhiệm vụ của mình thì cần cải cách, đổi mới cơ chế, bộ máy và cán bộ quản lý, không phải là thay đổi chế độ sở hữu đất đai. Tham nhũng trong đất đai cũng chẳng khác gì tham nhũng tiền bạc của Nhà nước trong xử lý các quan hệ tài chính giữa cơ quan nhà nước và cá nhân, doanh nghiệp. Thực chất của những người đả phá sở hữu toàn dân về đất đai là muốn Nhà nước thu hẹp vai trò trong đời sống kinh tế, loại trừ vai trò của Nhà nước với tư cách tổ chức thay mặt xã hội và người lao động bảo vệ lợi ích chung của xã hội và lợi ích của số đông người trực tiếp sử dụng đất để phát triển kinh tế.
Nhà nước ta phát huy nguồn lực đất đai, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội đất nước (Trong ảnh: Hạ tầng giao thông khu vực cửa ngõ Thành phố Hồ Chí Minh được đầu xây dựng) _Nguồn: Zing.vn
Những người có ủng hộ quan điểm quan điểm đa dạng hóa sở hữu đất đai dường như có lý hơn khi lý giải hình thức sở hữu phù hợp với đặc điểm của các thửa đất sử dụng vì các mục đích khác nhau. Họ cho rằng, đất ở, đất sản xuất gắn bó với người dân lâu dài, là tài sản của họ nên áp dụng chế độ tư hữu để khuyến khích bảo tồn, đầu tư và sử dụng hiệu quả theo nguyên tắc thị trường (nghĩa là lĩnh vực nào giá đất cao thì chuyển đất vào đó sử dụng) và hạn chế sự lạm dụng của cơ quan nhà nước trong thu hồi, giao đất. Tuy nhiên, họ không tính đến sự phân hóa giàu nghèo như đã nêu ở trên, vì đất ở và đất sản xuất chiếm hầu hết diện tích đất tự nhiên của quốc gia và cũng là đối tượng gây tranh chấp nhiều nhất. Hơn nữa, một đất nước, muốn có ổn định căn bản phải bảo đảm an ninh lương thực, phải sử dụng tổng quỹ đất theo quy hoạch chung hiệu quả. Khi đó, đất chỉ có thể giao dịch trong khuôn khổ mục đích sử dụng đất theo quy hoạch. Mà giao dịch quyền sử dụng đất trên thị trường thứ cấp đã được Nhà nước cho phép và tạo điều kiện thủ tục hành chính ngày càng thông thoáng hơn theo thông lệ quốc tế. Nói cách khác, do đất đai là một hàng hóa đặc biệt, quyền của chủ sở hữu đất bị giới hạn nhiều mặt nên thị trường đất đai không thể điều tiết việc phân bổ đất đai cho các lĩnh vực một cách hiệu quả như các loại thị trường khác. Đó là chưa nói đến những khuyết tật nói chung của thị trường làm cho nó không hoàn hảo như mong đợi của những người ủng hộ thị trường tự do, đả phá sự can thiệp của Nhà nước. Ngược lại, thị trường đất cần có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước mới có thể hoạt động hiệu quả. Thị trường quyền sử dụng đất trong khung khổ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai tạo đủ dư địa cho điều tiết thị trường đối với từng loại đất theo quy hoạch của Nhà nước.
Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai không phủ nhận quyền sử dụng đất của các pháp nhân, như tổ chức tôn giáo, cộng đồng dân bản, tổ chức chính trị, xã hội khác. Chế độ sở hữu toàn dân chỉ yêu cầu các chủ thể này sử dụng đất đúng mục đích được giao cũng như bảo hộ lợi ích của chủ sử dụng đối với tài sản của họ là quyền sử dụng đất. Những quyền khác của chủ sở hữu, như chuyển mục đích sử dụng hoặc ngăn cản cơ quan nhà nước thu hồi đất vì mục tiêu chung thì phải trao cho cơ quan đại diện chủ sở hữu toàn dân là Nhà nước. Cách ứng xử như vậy không khác là mấy ở các nước duy trì chế độ sở hữu tư nhân nếu xét về hiệu quả và mục đích xã hội của sử dụng quỹ đất quốc gia. Vậy tại sao lại cần đa sở hữu khi chế độ sở hữu toàn dân đã giải quyết được các quan hệ đất đai và mục đích sử dụng đất một cách hợp lý.
Có thể thấy, việc lựa chọn chế độ sở hữu toàn dân trong điều kiện của Việt Nam hiện nay là hợp lý, thể hiện ở những giác độ sau:
Thứ nhất, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường Việt Nam. Dù phản đối hay ủng hộ định hướng xã hội chủ nghĩa thì cũng phải công nhận rằng bản chất của định hướng xã hội chủ nghĩa là xây dựng một xã hội bình quyền, trong đó con người không những được tự do, bình đẳng về mặt chính trị, mà còn được tự do, bình đẳng về mặt kinh tế, tức tự do, bình đẳng về sở hữu tư liệu sản xuất quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay là đất đai. Sở hữu toàn dân về đất đai là chế độ sở hữu chung của toàn xã hội vì lợi ích của toàn dân tộc Việt Nam. Trong chế độ sở hữu toàn dân, một số quyền được giao cho cơ quan nhà nước, một số quyền được giao cho người dân (cá nhân, gia đình hoặc tập thể) là thể chế giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, là tạo điều kiện cho người sử dụng đất phát huy nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế, thỏa mãn nhu cầu và lợi ích của họ, đồng thời cũng tạo điều kiện để Nhà nước điều tiết quan hệ đất đai có lợi cho lợi ích quốc gia, chống lại xu hướng dùng quyền sở hữu đất để nô dịch lao động của người khác.
Thứ hai, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai phù hợp với mục tiêu cải thiện điều kiện sống của người lao động, tức người sử dụng trực tiếp đất đai. Ngoài những lợi ích chung phải được tôn trọng, như quyền tổ chức hiệu quả việc sử dụng đất (bằng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Nhà nước), quyền thu địa tô tuyệt đối và địa tô chênh lệch không do người sử dụng đất tạo ra, quyền thu hồi đất vì lợi ích xã hội, mọi quyền liên quan đến sử dụng đất hiệu quả khác đều được giao cho người sử dụng đất. Thị trường quyền sử dụng đất chỉ bị giới hạn bởi việc không được chuyển mục đích sử dụng đất và thời hạn giao đất. Thời hạn giao đất có thể thay đổi theo hướng kéo dài hơn để bảo đảm người đầu tư thu hồi được giá trị đầu tư, nhưng không vì lợi ích của cá nhân mà làm giảm lợi ích chung của xã hội, tức tuân thủ quy hoạch sử dụng đất và giá trị tăng thêm từ đất không do nhà đầu tư tạo ra phải trả về cho xã hội dùng chung. Thứ ba, sở hữu toàn dân tạo điều kiện để Nhà nước có thể chủ động trong kiểm soát nguồn tài nguyên đất đai cũng như điều tiết các quan hệ lợi ích đất đai có lợi cho quốc gia, cho người sử dụng đất trực tiếp. Với vai trò đại diện chủ sở hữu toàn dân, Nhà nước vừa có thể giao đất, thu hồi đất với các chế độ không thu tiền, có thu tiền, có bồi thường, không bồi thường… phù hợp với lợi ích của người sử dụng đất hiệu quả, hỗ trợ người nghèo, vừa tạo quỹ đất cho quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đất nước mà không phải thỏa thuận quá lâu, quá phức tạp với các chủ thể sở hữu tư nhân. Tất nhiên, xét về lợi ích tư nhân, những người được giao đất hoặc bị thu hồi đất có thể có những lợi ích khác nhau. Vấn đề trong tầm tay của Nhà nước với chế độ sở hữu toàn dân là điều chỉnh những chính sách cục bộ trong khung khổ sở hữu toàn dân chứ không phải bó tay trước quyền sở hữu tư nhân của người chiếm giữ đất. Sở hữu toàn dân cũng tạo thuận lợi cho quản lý nhà nước bằng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và nâng cao hiệu quả tổng thể của sử dụng quỹ đất quốc gia.
Sở hữu toàn dân tạo thuận lợi cho quản lý nhà nước bằng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và nâng cao hiệu quả tổng thể của sử dụng quỹ đất quốc gia (Trong ảnh: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, để thi công dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành) _Ảnh: TTXVN
Thứ tư, về mặt thực tế, duy trì sở hữu toàn dân trong điều kiện hiện nay là cách làm tốt nhất để ổn định kinh tế, chính trị, xã hội. Nếu tuyên bố tư hữu đất đai, sẽ diễn ra các cuộc tranh đấu đòi lại quyền sở hữu nhà, đất trong quá khứ đã tự nguyện hiến tặng cho cách mạng, sẽ có xu hướng lục soát lại những gì chúng ta đã làm trong cải cách ruộng đất, trong thu hồi đất, nhà đã chia cho cán bộ và nhân dân những năm sau chiến tranh… Chẳng có gì lý giải được tư hữu đất đai của chúng ta bây giờ tốt hơn tư hữu thời trước khi vào hợp tác xã. Càng không nên rũ rối lịch sử để rồi không đem lại lợi ích thực tế gì. Tại sao không sửa đổi theo tiến trình lịch sử, sử dụng những điều kiện đã có để tiến tới những điều kiện tốt hơn, trong đó quyền của người dân đối với đất đai vẫn được bảo toàn mà xã hội không lâm vào tình trạng bất ổn.
Theo cách hiểu như vậy thì sở hữu toàn dân về đất đai không phải là sở hữu nhà nước (và nói chung sở hữu toàn dân về các của cải khác cũng vậy). Cần phải tiếp cận sở hữu đất đai một cách hiện thực theo những quyền mà sở hữu đất đai có được và phân chia quyền đó một cách hợp lý giữa người dân và cơ quan nhà nước bằng Luật Đất đai. Nếu Luật Đất đai có quy định gì không hợp lý thì nhân dân và Nhà nước có quyền sửa đổi. Không thể đổ lỗi những hạn chế của Luật Đất đai hiện hành là do chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Mục đích tiên quyết của chế độ sở hữu toàn dân là quỹ đất đai quốc gia phải được sử dụng hiệu quả, đồng thời lợi ích từ sử dụng quỹ đất đai quốc gia phải được phân phối hợp lý, có lợi cho người sử dụng đất để khuyến khích sử dụng đất hiệu quả cũng như điều tiết lợi ích đó một cách hợp lý về ngân sách nhà nước để sử dụng chung cho xã hội, quốc gia. Điều kiện cần của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là xây dựng được hệ thống quản lý nhà nước về đất đai một cách minh bạch, cải cách thủ tục hành chính và cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến quyền sử dụng đất để người sử dụng đất yên tâm đầu tư cũng như có thể sử dụng cơ chế nhà nước bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Tăng cường các thiết chế kiểm soát quyền lực của cơ quan quản lý đất đai, công chức quản lý đất đai nhằm hạn chế hành vi lạm quyền, lợi dụng chức vụ tham nhũng trong lĩnh vực đất đai. Chế độ sở hữu toàn dân sẽ được nhân dân ủng hộ khi cơ quan nhà nước bảo hộ hợp lý quyền tài sản đối với quyền sử dụng đất của các chủ thể kinh tế, tạo cơ sở pháp lý cho thị trường quyền sử dụng đất hoạt động hiệu quả. Việc thu hồi đất phải được cân nhắc thận trọng bảo đảm hài hòa lợi ích cá nhân người sử dụng đất bị thu hồi và lợi ích quốc gia. Thủ tục, quy trình, chính sách thu hồi đất phải minh bạch, công khai, hài hòa lợi ích giữa người bị thu hồi đất và người được giao sử dụng cùng thửa đất nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Khi đó, chế độ sở hữu toàn dân không mâu thuẫn với kinh tế thị trường, không gây khiếu kiện kéo dài, đồng thời lại tạo dư địa cho mọi chủ thể kinh tế thực hiện nhiệm vụ của họ một cách thuận lợi./.
PGS,TS Trần Thị Minh Châu (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh/TCCS)
Nguồn: Đấu trường Dân chủ
http://hoicodo.com/731121/phe-phan-nhung-quan-diem-sai-lam-ve-che-do-so-huu-dat-dai-o-viet-nam/
PHẢN HỒI